Tôi đã thấy.
Những người Khơ-me trí thức và lao động, đông đúc, chuyên
cần trong công việc kiến thiết của Phnôm Pênh, ở trường học, ở công
trường, ở bến tàu, ở trên sông. Những trường trung, tiểu học ở
Phnôm Pênh, những trường Đại học Kinh tế, trường Thuốc, trường
Luật, trường Thương nghiệp và Viện kỹ thuật đào tạo cán bộ kỹ
thuật đương xây dựng.
Cách đây hai mươi năm, tôi đến Phnôm Pênh. Tôi không thấy
người Khơ-me, không thấy nhà trường. Bây giờ tôi thấy cả. Người
Khơ-me đương làm việc và đấu tranh cho đời mình và quyết định
vận mệnh Tổ quốc. Rõ ràng là có độc lập và tự chủ mới có thể có
được thực chất đời sống dân tộc.
Các bạn bảo tôi kể cảm tưởng Cam-pu-chia.
Có lẽ nên nói trước nhất là Phnôm Pênh chỉ cách Sài Gòn 240
cây số, không đến một giờ đường bay (về tới biên giới Xoài Riêng -
Tây Ninh chỉ hơn một trăm cây). Nhưng những phóng viên báo chí
phương Tây đến Sài Gòn, đến Viêng Chăn, ban đêm không dám ló
đầu ra khỏi nhà. Nếu họ sang Cam-pu-chia thì tha hồ đi. So sánh ấy
thật thú vị.
Tôi sẽ nói chưa đủ về một thành phố mới nổi “ăn diện vào hạng
nhất nhì châu Á” như Phnôm Pênh. Nhưng dù Phnôm Pênh náo
nhiệt phồn hoa thế nào,những trái ngược, những đau khổ, những
phù hoa giả ấy, tôi biết, tôi hiểu và phải kể đến. Vì đó cũng là một bộ
mặt của Phnôm Pênh. Tuy nhiên, biết và nhớ là hai việc không giống
nhau.
Tôi chỉ nhớ những gì tôi nhớ nhất. Âu cũng là thường tình.
Những cảnh và người đã gây tình cảm Cam-pu-chia cho tôi.