- Cái đó có gì là thiệt, sáng mai tôi xin nhặt đền mỗi người một túi hoa là
cùng...
Hai người nghe nói đều thích chí ưng lời lập tức. Hoàng Vân Nhi bèn bảo
Tiêu Minh Phượng hãy tránh ra một nơi, để thuật chuyện mình trước cho
Vu Anh nghe. Minh Phượng cũng ưng lời tránh ra một chỗ. Vân Nhi bèn
ung dung đem chuyện của mình thuật với Vu Anh:
Hoàng Vân Nhi nguyên là người ở Nguyên huyện thuộc tỉnh Giang Nam,
nhà ở giữa thôn Tiếp Nguyên, phía ngoài thành huyện. Phụ thân Vân Nhi
tên là Hoàng Quốc Trung, nguyên là một ông tú tài học cổ. Vợ Quốc Trung
là bà Từ Thị, vốn là một người đàn bà tài đảm chất phác ở đám hương thôn.
Quốc Trung nhà tuy nghèo túng song nhờ có cái chân tú tài xuất thân, bèn
mở một trường tư ở ngay giữa làng, gõ đầu bọn trẻ kiếm ăn, gia đình cũng
không đến nỗi quẫn bách cho lắm.
Quốc Trung tuổi ngoại 50, chỉ được một mụn con gái tức là Vân Nhi, nên
hết lòng yêu quí, muốn dạy cho sách vở học hành, để sau này kế nghiệp
thay chức con trai. Ngờ đâu năm Vân Nhi lên 7, lên 8 tuổi, Quốc Trung bắt
đầu đem sách vở ra dạy, thì Vân Nhi uể oải biếng lười không chịu học tập.
Ngoài ra Vân Nhi lại còn lêu lổng chơi nghịch, thường hay gây sự đánh
nhau với bọn học trò trong lớp. Quốc Trung đã mấy phen đánh đập đe nẹt,
rút cục cũng chẳng ăn thua.
Quốc Trung tức giận vô cùng, bèn trao cho Từ Thị, bắt Vân Nhi nhốt trong
nhà và ép cho phải tập các nghề khâu vá. Hay đâu trời đã phú tính cho Vân
Nhi, vác ngay hòn đá nặng ba bốn mươi cân thì nhẹ nhàng, chứ cầm đến cái
kim thì lại nặng nề khó nhọc, không sao mà cầm lên nổi. Nhân thế chỉ trong
ít bữa, Vân Nhi lại yêu cầu với Quốc Trung, thà cho đi học chữ còn dễ chịu
hơn, chứ nghề khâu vá quyết không thể nào mà học được nữa.
Tới năm đó, Vân Nhi đã 13 tuổi, Quốc Trung nghĩ chừng không tiện cho ra
ngoài trường học lẫn với đám con trai, nên lại bắt Vân Nhi ở luôn trong nhà
và ra bài cho học. Vân Nhi lại khổ tâm học tập trong mấy tháng trời, ai ngờ
rút cục lại không được một chữ nào cả. Quốc Trung thấy vậy, lấy làm nãn
chí, không mong gì cho Vân Nhi học được thành tài. Từ đó đâm ra chán
nản bỏ liều, không muốn rèn cặp chăm nom như trước.