từng vào sinh ra tử thời Chiến Quốc này đã bắt đầu ngán ngẩm thể chế
quan liêu của thế gian. Kouan bảo sứ giả Edo rằng:
- Xin hãy bẩm lại với Tướng Quân rằng ta sẽ sống quãng đời còn lại
hết lòng phụng dưỡng chủ cũ.
Lúc bấy giờ đã được năm mươi hai tuổi. Từ thuở thiếu niên đã hầu
cận bên cạnh Ieyasu rồi leo đến đỉnh vinh hoa vạn hộc. Nửa đời võ sĩ như
thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi, chẳng còn gì phải hối tiếc.
Thế rồi Kouan trở thành tăng lữ. Nhưng chẳng phải là thọ giới
chính quy, được cấp tăng vị mà chỉ là cạo đầu rồi trở thành sa di mà thôi.
Rồi Kouan phiêu bạt giang hồ, đi khắp nơi trong nước Nhật. Kouan một
đời không hề túng thiếu cái ăn, chắc cũng là do Mạc Phủ ngấm ngầm phụ
trợ.
Khi Kouan đến Kyushu là vào tiết cuối thu, năm KanEi thứ mười
bốn. Lúc bấy giờ ở Shimabara xứ Hizen đang có nổi loạn mà tục vẫn gọi là
loạn Shimabara. Cuộc nổi loạn này là sự kiện tín đồ Thiên Chúa giáo nổi
dậy chống sự đàn áp của lãnh chúa Matsukura Shigeji. Tổ chức phản loạn
này do tàn đảng của Konishi Yukinaga bị đánh tan tác trong trận Sekiga
Hara cầm đầu, họ huy động hơn hai vạn quân là tín đồ Thiên Chúa rút vào
thành chống lại chính quyền Mạc Phủ
. Lúc đầu Mạc Phủ gửi thượng sứ
là thành chủ Nukata phiên Mikawa, Itakura Naizennoshou Shigemasa
đến đàn áp cuộc nổi loạn này.
Kouan vốn là chỗ quen biết cũ với Itakura Naizennoshou nên khi
hay tin Shigemasa đang ở Hizen liền đến doanh trại thăm hỏi. Đấy là vào
tháng mười hai niên hiệu KanEi thứ mười bốn.
Khi diện kiến, Kouan dường như không còn tin vào mắt mình nữa,
dung mạo Shigemasa đã trở nên tiều tụy hốc hác như một người khác vậy.
Shigemasa từng là nhân vật lanh lợi được cử đi sứ diện kiến Hideyori để
giảng hòa trong trận mùa đông công thành Osaka. Lúc đó chỉ mới hai mươi
bảy tuổi, dung mạo khôi ngô tuấn tú thế mà bây giờ, không rõ là vì ánh đèn
lờ mờ trong trại hay sao mà lại trông xấu xí không thể ngờ như một lão bà.
Hẳn là đã lao khổ nhiều trong cuộc chiến này, Kouan thầm nghĩ. Sự thật là
Itakura Shigemasa lãnh đạo hơn hai vạn tinh binh của các phiên ở miền