- Còn phải nói! Chọn vợ nên chọn người không có học thức để còn sai
bảo được…
- Trí óc đàn bà con gái có ra gì…
Thật lạ lùng và khó hiểu khi nghe họ nói về bản thân một cách thiếu tôn
trọng như vậy. Tôi đã từng nghe thủy thủ, binh lính, thợ đấu nói về đàn bà,
nghe những người đàn ông đắc chí kể lể mánh lới lừa dối phụ nữ và khoe
khoang sự dẻo dai của mình. Tôi cảm thấy họ có định kiến thù ghét phụ nữ.
Nhưng hình như trong hầu hết các câu chuyện của đám đàn ông về “thành
tích” tình trường, ngoài sự khoe khoang còn có điều gì khiến tôi cảm thấy
mấy chuyện đó chỉ là khoe mẽ và bịa đặt.
Các bà thợ giặt không kể cho nhau nghe chuyện tình duyên nhưng qua
những bình luận giễu cợt, độc ác của họ về cánh đàn ông, tôi nghĩ rằng câu:
“Đàn bà là sức mạnh” có lẽ đúng thật!
- Dù có đi đến đâu, có quen biết ai thì rồi cũng phải tìm đến đàn bà,
không sao thoát khỏi đâu. – Một hôm chị Natalya nói như vậy.
Một bà già quát lên với chị, giọng như bị cúm:
- Còn đi đâu nữa! Cả tu sĩ lẫn ẩn sĩ cũng bỏ Chúa để mò đến với chúng
ta nữa là…
Những câu chuyện bên tiếng nước róc rách khóc than, bên tiếng giẻ ướt
vỗ bì bạch trong khe bẩn dưới đáy vực mà cả những bông tuyết mùa đông
trong sạch cũng không thể phủ kín, những cuộc chuyện trò trao đổi trắng
trợn về điều bí mật sinh ra mọi bộ lạc, mọi dân tộc đã gây nên trong lòng tôi
sự ghê tởm, kinh sợ, xua đẩy ý nghĩ và cảm giác của tôi lánh xa những
“thiên tình sử” đầy dãy đến phát ngấy. Đối với tôi, khái niệm “thiên tình sử”
đã chuyển thành khái niệm về những chuyện bẩn thỉu và ghê tởm.
Nhưng dầu sao, ở giữa đám thợ giặt dưới vực, bên bọn lính cần vụ
trong các nhà bếp hoặc cạnh thợ đấu dưới tầng hầm, tôi vẫn thấy thích thú
hơn ở nhà nhiều. Những câu nói, ý nghĩ, sự việc xảy ra ở nhà đều đều, tẻ
ngắt, khiến lòng tôi nặng nề và buồn chán khủng khiếp. Nhà chủ sống trong
thế giới chật hẹp toàn chuyện ăn uống, bệnh tật, ngủ ngáy, lăng xăng suốt