chỉ là trò đùa đấy thôi. Quả là vô cùng đáng xấu hổ! Đấy, cứ chờ ít lâu rồi
mày sẽ biết. Chỉ cần trời tối là được. Còn ban ngày thì tìm chỗ nào tôi tối
hay vào trong nhà kho ấy, thế đấy! Cũng vì thế mà Chúa đã đuổi loài người
ra khỏi thiên đường, vì thế mà ai nấy đều khổ sở…
Anh nói thật hay, giọng anh có vẻ ăn năn buồn bã khiến tôi cũng bớt
khắc nghiệt với các “thiên tình sử” của anh. Tôi thích chơi với anh hơn là
với Ermokhin. Tôi rất ghét gã ta và tìm mọi cách để chế nhạo, làm cho hắn
phát khùng. Tôi thường đạt được mục đích và gã phải chạy đuổi tôi khắp
sân. Chỉ vì vụng về mà ít khi hắn có dịp thực hiện các đòn trừng phạt.
- Chuyện ấy cấm đấy! – Anh Sidorov thường bảo tôi như vậy.
Tôi hiểu đó là chuyện cấm, nhưng nói rằng vì thế mà ai nấy đều khổ sở
thì tôi không tin. Tôi từng trông thấy nhiều người khổ sở. Tôi cũng từng
quan sát biểu lộ khác thường trong đôi mắt những người đang yêu và cảm
nhận được sự hiền hậu đặc biệt của các cặp tình nhân. Thật dễ chịu khi
chứng kiến niềm vui sướng của tình yêu đó.
Dầu sao, theo tôi còn nhớ, cuộc sống của tôi mỗi ngày một buồn tẻ, gay
gắt hơn, nó vĩnh viễn bị ấn định chặt chẽ trong các hình thức và những mối
quan hệ mà tôi đã trông thấy ngày này qua ngày khác. Khó mà tin rằng sẽ có
chuyện gì tốt hơn xảy ra, bởi những điều xấu xa vẫn hiện ra trước mắt mình
hằng ngày, không sao xóa bỏ được.
Một hôm, những người lính kể cho tôi nghe một chuyện khiến tôi vô
cùng xúc động.
Trong một căn nhà, có anh thợ nọ chuyên cắt quần áo cho hiệu may nổi
tiếng của thành phố. Anh ta không phải người Nga, tính nết hiền lành, khiêm
tốn. Vợ anh nhỏ bé, ngày đêm chỉ đọc sách. Hai vợ chồng không có con,
sống một cách kín đáo và thầm lặng giữa một khu huyên náo, bên những căn
nhà đầy ních người say. Họ không tiếp khách cũng chẳng đi đâu, chỉ đi xem
hát với nhau trong những ngày hội.
Từ sáng đến chiều tối anh chồng ở nơi làm việc. Còn chị vợ thì giống
như một cô thiếu nữ, cứ mỗi tuần đến thư viện hai lần vào buổi trưa. Tôi