- Em đừng nghe lời họ. Cứ đến nhà anh đọc sách, anh không nói cho ai
biết đâu! Nếu em đến không thấy anh ở nhà thì cứ lấy chìa khóa treo sau
tượng thánh, mở hòm lấy sách mà đọc…
Thái độ của chủ nhà đối với sách đã đề cao sách vở trong mắt tôi ngang
với những bí mật quan trọng và khủng khiếp. Việc “những người đọc sách
báo” phá đường sắt để giết ai đó không làm tôi bận tâm, tôi nhớ đến vị linh
mục trong buổi xưng tội, đến việc đọc sách của người học sinh trung học
dưới tầng hầm, đến những lời nói của bác Smouri về “những quyển sách
đúng đắn”, và tôi nhớ cả đến mấy câu chuyện ông ngoại kể về các phù thủy
biết sử dụng âm binh:
“Dưới triều vua Alexander Pavlovich Thái bình, một bọn quý tộc bị
phù thủy lôi kéo đã âm mưu bán rẻ toàn dân Nga cho giáo hoàng La Mã,
thật là bọn vô đạo! Tướng Arakcheev bắt quả tang bọn chúng, đày đi
Siberia khổ sai, không kể chức tước, cấp bậc. Chúng chết mòn ở đấy như
giống bọ xanh…”
Tôi nhớ đến câu “Umbracul sặc sỡ những tinh cầu”, đến “Gervase” và
đến mấy câu trang trọng tới mức buồn cười:
“Bọn phàm tục tò mò muốn biết công việc của chúng ta!
Không bao giờ cặp mắt kém cỏi của các người thấy được!”
Tôi thấy như mình đang đứng trước ngưỡng cửa của những bí mật lớn
lao và sống như người mất trí. Tôi muốn đọc hết quyển sách nhưng lại sợ
nhỡ chẳng may quyển sách bị mất lúc cất ở nhà anh lính, hoặc vì lí do nào
đó mà anh làm hỏng sách. Lúc bấy giờ tôi biết ăn nói với chị vợ anh thợ cắt
ra sao?
Bà già vừa ráo riết theo dõi vừa nhiếc móc tôi:
- Con mọt sách! Sách vở chỉ dạy độc những điều phóng đãng. Đấy, con
mẹ ấy cũng mải mê sách vở đến nỗi không thể nào đi chợ được, chỉ luẩn
quẩn với bọn sĩ quan, tiếp chúng giữa ban ngày ban mặt, tao còn lạ gì!
Tôi muốn quát to lên: “Không đúng! Chị ấy không luẩn quẩn…”