Nhưng tôi sợ, không dám che chở cho chị vợ anh thợ cắt. Lỡ bà già
thình lình đoán được quyển sách đó là của chị thì sao?
Suốt mấy ngày, tôi sống vô cùng khổ sở. Tôi vừa đãng trí, vừa buồn,
vừa hoảng hốt; tôi không sao ngủ được vì lo lắng cho số phận của
Montepaine. Cho đến một hôm, mụ bếp của chị vợ anh thợ cắt chặn tôi
ngoài sân và bảo:
- Mang sách đến trả nhé!
Tôi chọn lúc ăn trưa xong, khi nhà chủ đã nằm nghỉ, đến nhà chị vợ anh
thợ cắt, vẻ ngượng nghịu chán nản.
Chị tiếp tôi như lần đầu tôi gặp chị, chỉ có cách ăn mặc thì khác hẳn:
Váy xám, áo cánh bằng nhung đen, thánh giá bằng ngọc xanh đeo trên cổ.
Trông chị giống một con chim sơn tước mái.
Tôi nói với chị rằng tôi không kịp đọc hết quyển sách và người ta cấm
tôi đọc sách. Tôi rưng rưng nước mắt, nửa tủi nửa mừng được trông thấy
chị.
- Chà, cái bọn mới ngu xuẩn làm sao! – Chị nhíu cặp lông mày thanh
tú. – Thế mà trông khuôn mặt cậu chủ em cũng có vẻ sáng sủa đấy chứ. Em
đừng buồn, để chị nghĩ xem đã. Chị sẽ viết thư cho chủ em…
Nghe thế, tôi sợ quá. Tôi bảo chị rằng tôi đã nói dối nhà chủ là mượn
sách của cha cố chứ không phải của chị.
- Không nên đâu, chị đừng viết! – Tôi nài nỉ. – Họ sẽ chế nhạo chị, sẽ
nói chị không ra gì. Ở khu nhà này không có ai thích chị. Ai cũng chế giễu
chị, họ nói rằng chị gàn và chị thiếu mất xương sườn…
Nói một mạch xong, tôi chợt nhận ra rằng mình đã nói với chị những
điều vô ích và đáng bực mình. Chị cắn môi trên, vỗ tay vào hai bên hông
như người cưỡi ngựa. Tôi ngượng nghịu cúi đầu, muốn chui xuống đất,
nhưng chị ngả người trên ghế, cười khanh khách, nhắc đi nhắc lại:
- Ôi, ngu xuẩn… Ôi là ngu xuẩn! Nhưng biết làm thế nào? – Chị tự hỏi
và chăm chú ngắm nghía tôi, sau đó thở dài và tiếp. – Em là một đứa bé kì