Thiếu phụ nâng cằm tôi bằng những ngón tay thơm tho nóng hổi, hỏi
tôi với một nụ cười dịu dàng:
- Ra thế đấy, cháu thích đọc sách à? Cháu đã đọc những quyển gì rồi?
Khi cười trông bà càng đẹp hơn. Tôi lúng túng liệt kê vài tên sách.
- Cháu thích những gì trong các sách ấy? – Bà hỏi tôi, tay để trên bàn,
ngón tay khe khẽ động đậy.
Người bà tỏa hương hoa thơm vừa đậm vừa dịu dàng, hòa lẫn một cách
lạ thường với mùi mồ hôi ngựa. Thiếu phụ trầm ngâm và nghiêm trang nhìn
tôi qua hàng mi dài – xưa nay chưa ai nhìn tôi như vậy cả.
Căn phòng ngổn ngang bàn ghế đẹp có nệm, hẹp lại giống một tổ chim.
Các cửa sổ được che bằng màu xanh thẫm của hoa lá. Những tấm gạch tráng
men trắng như tuyết trên lò sưởi lấp lánh trong bóng tối; cây dương cầm đen
đặt bên cạnh cũng phản chiếu ánh sáng, óng ánh. Trên tường, trong mấy cái
khung mạ vàng nhợt nhạt có những tấm bằng khen sẫm màu in đầy những
chữ Slav to, dưới mỗi tấm có treo một cái ấn lớn màu đen lủng lẳng ở đầu
một sợi dây. Tất cả những món đồ vật ấy đều nhìn thiếu phụ với một vẻ
phục tùng và nhút nhát, y như tôi vậy.
Tôi cố cắt nghĩa cho bà hiểu rằng cuộc sống của tôi rất nặng nề, buồn
tẻ, tôi đọc sách là để quên đi những điều đó.
- À, ra thế đấy! – Bà đứng dậy. – Cháu nói cũng có lí, cũng đúng đấy…
Nào, chúng ta sẽ làm gì đây? Bác sẽ cho cháu mượn sách, nhưng bây giờ
bác chưa có… Thôi được, cháu lấy tạm quyển này nhé…
Bà với quyển sách bìa vàng đã sờn nát trên đi văng.
- Cháu đọc xong, bác sẽ cho mượn tập hai. Tất cả có bốn tập…
Tôi ra về, mang theo cuốn Những bí mật ở Peterburg của công tước
Meshtcheski và bắt đầu đọc rất chăm chú. Nhưng ngay từ những trang đầu
tôi đã thấy “những bí mật” ở kinh thành Peterburg có phần nhạt nhẽo hơn
“những bí mật” ở Madrid, London hay Paris nhiều. Chỉ có bài ngụ ngôn về
Tự Do và Chiếc Gậy là làm tôi thích thú.