Tôi càng thêm ngưỡng mộ thiếu phụ. Đấy, bà đã đọc những quyển sách
như vậy đấy! Đâu có như chị vợ giống pho tượng sứ của anh thợ cắt kia!…
Khi tôi mang quyển sách đến nhà thiếu phụ, bùi ngùi đưa trả, bà nói với
tôi, giọng đầy tin tưởng:
- Cháu đọc thích chứ? Cháu đã nghe nói về Puskin chưa?
Tôi đã đọc một bài về cuộc đời thi sĩ trên một tờ tạp chí nhưng muốn
được chính bà kể cho nghe nên tôi bảo tôi không biết gì cả.
Sau khi kể vắn tắt về cuộc đời và cái chết của Puskin, bà mỉm cười,
tươi như một ngày xuân:
- Yêu đàn bà nguy hiểm như thế đấy, cháu thấy chưa?
Qua những cuốn sách đã đọc, tôi cũng biết tình yêu quả thực là một
điều nguy hiểm, nhưng cũng là một điều vui sướng nữa. Tôi nói:
- Nguy hiểm thật đấy, nhưng mà người ta vẫn cứ yêu! Ngay cả phụ nữ
cũng đau khổ vì tình yêu cơ mà…
Qua lớp lông mi, đôi mắt thiếu phụ lướt qua tôi như cách bà vẫn nhìn
những người khác. Bà nghiêm trang:
- Ra thế đấy! Cháu biết điều ấy à? Vậy thì bác cũng mong cho cháu
đừng quên điều ấy!
Rồi bà bắt đầu hỏi tôi thích những bài thơ nào.
Tôi trả lời câu được câu chăng, vừa giơ tay làm điệu bộ, vừa đọc thuộc
lòng những bài thơ. Bà yên lặng, chăm chú nghe tôi, rồi đứng lên, đi đi lại
lại trong phòng, trầm ngâm:
- Con quỷ đáng yêu này, cháu phải đi học mới được! Bác sẽ chú ý đến
việc này… Chủ nhà có họ với cháu phải không?
Khi tôi nói “vâng”, bà thốt lên:
- Ồ! – Tựa như muốn chê trách tôi.
Bà cho tôi mượn tập Thi ca của Beranger
in rất đẹp kèm những bản
vẽ khắc, cạnh vàng, bìa da đỏ. Tôi như mê mẩn trong mối buồn đau gắn chặt