tôi cũng không cho phép mình nghĩ như vậy về viên sĩ quan. Tôi trông thấy
gương mặt ông, nụ cười của ông hiện ra trước mắt. Ông cười sung sướng
như một đứa trẻ con ngạc nhiên trước một điều bất ngờ. Khuôn mặt buồn
rầu của ông bỗng tươi mới kì diệu. Chắc ông phải yêu Nữ hoàng lắm. Lẽ nào
lại không yêu cho được, cái người đàn bà ấy? Và bà cũng có thể rộng lượng
mà ban tình yêu cho ông; ông chơi đàn hay biết chừng nào, và ngâm thơ mới
tình cảm làm sao…
Nhưng chính cũng vì phải viện đến những lí do đó để an ủi mình mà tôi
nhận ra mọi việc không phải đều tốt đẹp, đều đúng đắn trong thái độ của tôi
đối với những điều tôi đã trông thấy, và đối với chính bản thân Nữ hoàng
Margot. Tôi thấy như mình bị mất một cái gì và suốt mấy ngày tôi sống
trong trạng thái hết sức buồn rầu.
… Một hôm, tôi gây ra trò nghịch ngợm tai quái và ngu xuẩn. Khi tôi
đến nhà thiếu phụ để mượn sách, bà nghiêm khắc bảo tôi:
- Thế mà bác cũng nghe người ta nói rằng cháu nghịch lắm đấy! Bác
thật không ngờ…
Tôi không nín được nữa, bèn kể cho bà biết rằng tôi sống thật đau khổ,
thật nặng nề, mỗi khi nghe người ta nói xấu bà. Thiếu phụ đứng trước mặt
tôi, tay đặt lên vai tôi, thoạt đầu bà nghiêm trang chăm chú nghe tôi nói,
nhưng sau đó bà phì cười và khẽ đẩy tôi ra.
- Thôi đủ rồi, bác đã biết tất cả những chuyện đó, cháu hiểu chứ? Bác
biết cả!
Rồi bà nắm lấy hai tay tôi mà nói với một giọng trìu mến:
- Cháu càng ít chú ý đến những chuyện đê tiện ấy bao nhiêu thì càng tốt
cho cháu bấy nhiêu… Mà sao cháu để tay bẩn thế này…
Chao ôi, bà còn phải nói làm gì điều đó! Nếu như bà cũng phải đánh đồ
đồng, lau sàn, giặt tã lót thì chắc tay bà cũng không hơn gì tay tôi.
- Biết sống thì thiên hạ căm tức, ganh tị. Còn không biết sống thì người
ta khinh. – Thiếu phụ ôm lấy tôi, trầm ngâm. Bà vừa kéo tôi sát vào người,