người thực tế. Việc buôn bán đòi hỏi phải dùng đến mưu mẹo nhiều, sống
mãi với tính toán cũng buồn, thế là họ muốn chơi đùa chút chút mà!
Dòng sông sủi bọt trôi nhanh sau đuôi tàu. Nghe thấy rõ tiếng nước
chảy sôi sục. Bờ sông đen ngòm chậm chạp chạy theo dòng nước. Hành
khách ngáy ngủ trên boong. Một người đàn bà cao gầy mặc áo dài đen, đầu
trần, tóc bạc, lò dò lần bước giữa đám người đang thiu thiu ngủ trên những
hàng ghế dài, đi về phía chúng tôi…
Anh thợ đốt lò hích vai tôi, khẽ nói:
- Nhìn kìa, đang buồn đấy…
Tôi có cảm giác như anh ta thấy thú vị trước nỗi buồn của kẻ khác.
Anh kể rất nhiều chuyện. Tôi say sưa lắng nghe, nhớ hết mọi chuyện
anh kể, nhưng không nhớ có chuyện nào vui. Anh kể với giọng bình thản
hơn cả sách. Trong sách, tôi thường thấy được tình cảm của nhà văn, thấy
được sự giận dữ, niềm vui sướng, nỗi lo âu, vẻ giễu cợt của tác giả. Còn anh
thợ đốt lò thì không cười, không phê phán; hình như chẳng có gì khiến anh
tức giận và cũng không có gì làm anh vui sướng rõ rệt. Anh nói như một
người làm chứng bàng quan trước quan tòa, như một người hờ hững với cả
bên nguyên, bên bị lẫn quan tòa. Sự bàng quan đó càng ngày càng gây thêm
trong lòng tôi nỗi bực tức, khiến tôi thấy ghét anh Yaakov.
Cuộc sống sôi sục trước mặt anh như ngọn lửa trong lò, phía dưới nồi
hơi. Anh đứng trước lò, bàn tay sần sùi cầm cái búa gỗ khẽ gõ vào van vòi
hơi để điều hòa sức đốt.
- Họ có làm anh bực mình không?
- Ai dám làm tớ bực? Tớ khỏe như thế này, chỉ quại cho một cái…
- Em không nói đến chuyện đánh đấm, mà muốn nói về tâm hồn anh.
Họ có làm cho tâm hồn anh bực tức không?
- Không thể nào làm bực tức tâm hồn. Những chuyện bên ngoài không
sao chạm được đến tâm hồn. Không có gì có thể chạm tới tâm hồn con
người cả.