Hành khách trên boong, thủy thủ và mọi người thường hay nói đến chữ
“tâm hồn” như nói đến đất đai, lúa gạo, công việc, phụ nữ… Đó là chữ đầu
lưỡi trong những câu chuyện, thông dụng như đồng năm kopek. Tôi không
muốn nghe chữ ấy trên đầu lưỡi cay độc của mọi người. Khi những bần
nông mang chữ “tâm hồn” ra để chửi rủa nhau, dù là đùa vui hay ác ý, tôi
thấy tim mình như thắt lại.
Tôi còn nhớ rất kĩ bà tôi đã nói về tâm hồn một cách trân trọng biết
nhường nào. Đó là đài hoa thần bí của tình yêu, của sắc đẹp, của niềm vui.
Tôi tin rằng sau khi những con người lương thiện chết đi, các thiên thần
cánh trắng sẽ mang tâm hồn họ lên tận trời xanh, tới chỗ vị Chúa hiền từ của
bà. Chúa âu yếm đón những tâm hồn đó và nói:
- Thế nào, tâm hồn yêu quý, trong sạch của ta, chắc con đã đau khổ
nhiều và mệt mỏi lắm phải không?
Và Người ban cho tâm hồn sáu cánh trắng của thiên sứ.
Anh Yaakov Shumov cũng ít nói về tâm hồn và nói với một vẻ thận
trọng, miễn cưỡng giống như bà. Khi chửi, anh không đả động đến tâm hồn.
Còn khi những người khác tranh cãi nhau về tâm hồn thì anh cúi cái cổ bò
đỏ tía xuống và im lặng. Khi tôi hỏi anh tâm hồn là gì, anh trả lời:
- Là linh hồn, là hơi thở của Chúa…
Tôi chưa thỏa mãn và gặng hỏi thêm. Anh cúi đầu xuống bảo tôi:
- Về chuyện linh hồn thì ngay đến các cha cố cũng chẳng hiểu thêm
được là mấy đâu, chú em ạ. Đó là một vấn đề bí ẩn…
Anh khiến tôi phải luôn nghĩ đến anh, phải gắng sức một cách rất căng
thẳng để hiểu anh. Nhưng sự gắng sức của tôi vô hiệu quả. Ngoài anh ra, tôi
chẳng thấy gì cả. Với thân hình to lớn, anh đã che lấp mất tất cả.
Mụ vợ người chủ tiệm đối xử với tôi có vẻ dịu dàng rất khả nghi. Sáng
sáng tôi phải bưng nước cho mụ rửa mặt, mặc dù đó là nhiệm vụ của cô hầu
gái thứ hai Lusha – một cô gái sạch sẽ và tươi tắn. Đứng trong buồng tàu
chật hẹp, bên cạnh mụ chủ tiệm cởi trần đến tận thắt lưng, trông thấy tấm