Sascha nói, không quay mặt về phía tôi:
- Chờ đấy. Khi nào khô ráo, tao sẽ cho mày xem cái này trong vườn.
Cứ gọi là choáng người ra kia!
Tôi lặng thinh, nằm ngủ.
Sau chừng vài giây, Sascha đột nhiên vùng dậy, cào vào tường và nói
với giọng đầy khích động:
- Con sợ quá… Lạy Chúa, con sợ quá mất thôi! Xin Chúa che chở cho
con! Sao thế này?
Tôi sợ cứng người. Tôi tưởng như cạnh cái cửa sổ nhìn ra sân, mụ bếp
đang đứng quay lưng lại, đầu cúi xuống, trán áp vào cửa kính, giống hệt hồi
mụ còn sống đứng xem chọi gà vậy.
Sascha nức nở, tay vẫn cào tường, hai chân run giật. Tôi không nhìn
xung quanh, lần qua bếp một cách khó nhọc như người bước trên đống than
hồng, lại nằm với Sascha. Khóc một lúc, mệt quá, chúng tôi ngủ thiếp đi.
Sau đó ít hôm là ngày hội. Cửa hàng mở bán đến trưa rồi mọi người
nghỉ ăn cơm. Khi lão chủ ăn xong đi ngủ, Sascha bảo tôi với một vẻ bí mật:
- Đi ra đây!
Tôi đoán ngay là giờ tôi sẽ được xem “cái này” của nó – cái khiến tôi
phải “choáng người ra” đây.
Chúng tôi ra vườn. Trên một dải đất hẹp, mười lăm cây bồ đề già đứng
giữa hai ngôi nhà, thân to phủ rêu xanh mượt như nhung; những cành trụi lá
đen đủi nhô lên im lìm vắng lặng. Không có lấy một tổ quạ nào giữa những
cành cây đó. Hàng cây đứng như những tấm bia trên nghĩa địa. Ngoài những
cây bồ đề, trong vườn không có một bụi cây, một đám cỏ nào. Đất trên các
lối đi bị giẫm nhiều, đen như gang. Ngay những khoảnh đất loang lổ phía
dưới đám lá khô từ năm ngoái còn sót lại cũng phủ một lớp mốc trông như
váng bèo trên mặt nước ao tù.
Sascha bước tới phía góc hàng rào sát với con phố và dừng lại dưới một
gốc bồ đề. Nó trố mắt nhìn lên những ô cửa sổ mờ đục của nhà hàng xóm rồi