Tôi chăm chú nhìn những gương mặt phì nộn của các thương gia đang
bị băng giá giày vò, chúng mọng căng những tia máu ngầy ngậy và bất động
như đang ngủ. Họ hay ngáp, miệng há hốc như cá bị quẳng lên bãi cát khô.
Mùa đông, hàng quán thưa khách, trong ánh mắt của các nhà buôn
không còn vẻ gian giảo, đề phòng như mùa hè nữa. Áo lông nặng khiến họ
cử động khó khăn và kéo người họ khom thêm xuống đất. Các thương gia
trò chuyện với vẻ uể oải. Khi nào nổi cáu thì họ tranh cãi ỏm tỏi. Tôi nghĩ
rằng họ cố tình làm vậy cốt để tỏ cho nhau biết mình đang còn sống.
Tôi thấy rất rõ nỗi buồn đè nặng lên họ, khiến họ mòn mỏi, đần độn.
Chỉ có kinh qua cuộc đấu tranh vô ích với sức mạnh toàn năng của nỗi buồn
đó tôi mới tự giải thích được nguyên nhân những trò tiêu khiển ngu xuẩn và
tàn nhẫn của họ.
Đôi lúc tôi nói ý nghĩ đó với Pyotr Vassilich. Tuy nói chung lão hay
giễu cợt, chế nhạo tôi, nhưng lão thích tính ham mê đọc sách của tôi và
nhiều lần lão nói với tôi bằng một vẻ nghiêm trang, dạy dỗ.
- Cháu không thích những nhà buôn sống như vậy. – Tôi nói.
Lão lấy ngón tay dài quấn một mớ râu lại rồi hỏi:
- Làm sao cháu biết được họ sống như thế nào? Hay là cháu thường
được đến chơi với họ? Cậu cả ạ, đây là đường phố, mà trên đường phố thì
không có ai ở cả. Người ta buôn bán hoặc đi lại trên đó chốc lát rồi lại trở về
nhà. Khi đi ra phố, mọi người ăn mặc chỉnh tề, nhưng sau lớp quần áo ấy ai
biết được họ như thế nào. Con người ta chỉ sống cởi mở ở nhà, trong bốn
bức tường. Họ sống ở đấy như thế nào thì làm sao cháu biết được!
- Nhưng mà ý nghĩ của họ thì dù ở nhà hay ngoài phố cũng đều giống
nhau cả?
- Ai biết được người láng giềng của mình có những ý nghĩ gì? – Lão
trợn tròn mắt vẻ nghiêm khắc và nói bằng giọng trầm trầm xác đáng. – Các
cụ vẫn nói: Ý nghĩ cũng giống như rận, không sao đếm xuể! Có thể khi về
nhà người ta sẽ quỳ xuống, kêu khóc và cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa
tha cho con những tội lỗi con đã phạm trong ngày tốt lành của Chúa!” Có