thể nhà của anh ta là một tu viện và anh ta sống ở đó một mình với Chúa. Có
thể như vậy đấy! Mỗi con nhện cần biết xó nhà của mình đã, có chăng lưới
thì cũng phải biết liệu trù sức nặng sao cho mình đỡ được…
Khi lão nói nghiêm trang, giọng lão thấp xuống, trầm hơn, như muốn
báo những tin bí mật và quan trọng.
- Đấy, cháu hay suy luận, nhưng việc suy luận đối với cháu còn sớm
quá. Tuổi cháu chưa phải tuổi sống bằng trí óc, mà bằng con mắt. Nói thế có
nghĩa là cháu cứ quan sát và nhớ lấy mọi sự việc, nhưng cứ ngậm miệng đã.
Lí trí dùng để làm việc, còn đối với tâm hồn thì cần có lòng tin. Cháu hay
đọc sách, đó là điều tốt, nhưng cái gì cũng phải có chừng mực: Có kẻ đọc
nhiều quá hóa điên, có kẻ trở thành vô đạo…
Đối với tôi, lão trở nên bất tử. Thật khó hình dung được lão có thể già
và thay đổi thêm nữa. Lão thích kể chuyện về các thương gia, về bọn ăn
cướp, về những tay làm bạc giả mà trở nên những nhân vật nổi tiếng. Những
chuyện ấy tôi đã nghe ông ngoại kể rất nhiều. Ông kể hay hơn lão già thông
thái này, nhưng ý nghĩa các câu chuyện tương tự nhau: Sự giàu sang luôn
được đạt bằng con đường tội lỗi, cả với người và với Chúa. Pyotr Vassilich
không thương hại con người, nhưng lão nhiệt tình nói về Chúa, vừa thở dài,
vừa như giấu mắt đi.
- Thế đấy, chúng lừa dối cả Chúa. Còn Chúa thì trông thấy tất cả những
điều đó và Chúa than khóc: “Các con ơi, những đứa con đáng thương của ta
ơi, địa ngục đang chờ các con đó!”
Một lần tôi cả gan nhắc lão:
- Nhưng chính ông cũng lừa dối các bần nông cơ mà…
Điều đó không mảy may làm lão tức giận.
- Việc của ông làm thì có nghĩa lí gì? – Lão nói. – Chấm mút dăm ba
rúp; quanh quẩn chỉ có thế thôi.
Bắt gặp tôi đang đọc sách, lão giằng quyển sách khỏi tay tôi, hoạnh họe
tra hỏi tôi về những điều tôi vừa đọc, rồi ngẩn người ra, vẻ phân vân, bảo gã