- Những nguyên bản này bó tay ta quá! Phải nói thẳng là: Chúng trói
tay mình lại!
Tuy giữ vai trò quan trọng trong xưởng, bác ít kiêu căng hơn những
người khác. Đối với học trò – tôi và Pavel – bác rất âu yếm. Bác muốn dạy
nghề cho chúng tôi, điều mà ngoài bác không ai nghĩ tới.
Bác là người khó hiểu. Nói chung thì tính bác không vui, đôi khi bác
làm việc lặng lẽ hàng tuần như người câm. Bác nhìn mọi người với vẻ ngạc
nhiên và xa lạ như lần đầu tiên gặp họ. Và tuy bác rất thích hát, trong những
ngày đó bác không hát, thậm chí gần như bác không nghe thấy tiếng hát nữa.
Mọi người vừa nháy nhau nhìn về phía bác vừa chú ý theo dõi bác. Bác gò
lưng nhìn bức tượng đặt nghiêng trên đầu gối, phần giữa bức tượng tựa vào
thành bàn. Cây bút lông nhỏ của bác nắn nót tô vẽ khuôn mặt mờ tối xa lạ,
cũng xa lạ mờ tối như chính bản thân bác.
Bỗng nhiên bác thốt lên, giọng rành rọt, bực tức:
- “Tiền nhân” là cái gì? Tiếng cổ thì “tiền” có nghĩa là “trước”. “Tiền
nhân” là “người lớp trước”, có phải thế không?…
Không khí trong xưởng bỗng lắng hẳn. Mọi người tủm tỉm cười, liếc
nhìn bác Jikharev. Trong không gian vẫn vẳng lên những câu nói kì lạ:
- Phải vẽ ông ta có cánh chứ không phải là mặc áo da cừu…
- Bác nói với ai đấy? – Người ta hỏi bác.
Bác lặng thinh vì không nghe thấy câu hỏi hoặc vì không muốn trả lời.
Rồi những lời của bác lại rơi tõm vào khoảng không lặng lẽ:
- Cần phải biết sự tích các thánh, nhưng ai biết những sự tích ấy?
Chúng ta biết được những gì? Chúng ta sống thật quá tầm thường… Còn
đâu là tâm hồn? Tâm hồn ở đâu rồi? Nguyên bản thì có đấy, nhưng trái tim
thì không…
Những suy nghĩ nói lên thành tiếng đó khiến mọi người, trừ anh
Sitanov, mỉm cười vẻ giễu cợt; gần như lúc nào cũng có người nào đó đắc ý
thầm thì: