cầm khăn, uể oải phe phẩy. Tay phải mụ chống vào sườn. Tư thế đó khiến
mụ giống như một chiếc bình khổng lồ có quai.
Còn bác Jikharev thì cứ vừa đi lại xung quanh pho tượng đá đó vừa
thay đổi biểu cảm. Như thể không phải một người mà là hàng chục người
luân phiên khiêu vũ: Người này thì dịu dàng, ngoan ngoãn; người kia thì cáu
kỉnh, dọa nạt; người thứ ba thì như sợ hãi điều gì, vừa la khe khẽ vừa muốn
lén chuồn khỏi người đàn bà to lớn, khó chịu này. Và kia, một người nữa,
răng nhe ra và lưng khom run rẩy như một con chó bị thương. Điệu nhảy
xấu xí tẻ ngắt đó khiến tôi chán ngán; nó đánh thức những kí ức không lấy
gì làm tốt đẹp về những người lính, những mụ bếp và đám thợ giặt, mấy
chuyện bù khú tồi tệ.
Những lời nói nho nhỏ của anh Sidorov lại vang lên trong óc tôi.
“Trong việc này mọi người lừa dối nhau tuốt. Đó là việc mà ai cũng
thấy hổ thẹn. Có người nào yêu người nào đâu, chẳng qua chỉ là trò đùa đấy
thôi…”
Tôi không muốn tin rằng “trong việc này mọi người lừa dối nhau tuốt”,
nếu như vậy thì Nữ hoàng Margot sẽ thế nào? Và tất nhiên, bác Jikharev
cũng không lừa dối. Tôi biết anh Sitanov đã yêu một cô gái “giang hồ”: Cô
này truyền cho anh một căn bệnh thật ô nhục, nhưng anh không vì điều ấy
mà đánh đập cô ta, anh thuê nhà cho cô, chữa chạy cho cô và luôn nói về cô
bằng giọng dịu dàng, lúng túng.
Người đàn bà to lớn vẫn lắc lư, cười một cách nhạt nhẽo, tay vẫy vẫy
khăn. Bác Jikharev vẫn nhảy nhót run rẩy xung quanh mụ. Tôi nhìn và nghĩ
bụng, lẽ nào bà Eva lừa dối cả Chúa Trời mà lại trông giống như con ngựa
này chăng? Và tôi ghét mụ cay đắng. Các bức tượng thánh cụt đầu dựng bên
những bức tường tối om nhìn ra. Bóng đêm nép sát vào các tấm kính. Đèn
cháy lù mù trong khoảng không ngột ngạt của gian xưởng. Nếu chú ý lắng
nghe thì sẽ thấy giữa tiếng giậm chân nặng nề và tiếng nói ồn ào có tiếng
nước nhỏ mau từ chậu rửa mặt bằng đồng xuống thùng nước rác.