Tất cả những cảnh tượng trên chẳng giống cuộc sống mà tôi đọc trong
các sách chút nào. Hoàn toàn chẳng giống một chút nào cả. Cuối cũng mọi
người cũng đều cảm thấy chán. Kapendiukhin vứt phong cầm vào tay
Salautin và quát:
- Chơi đi! Nhanh lên!
Anh nhảy giống anh Vanka Tsiganok
, người như bay trong không
khí. Sau đó đến Pavel Odintzov và anh Sorokin nhảy rất hăng, rất khéo. Anh
Davidov lao phổi cũng rê chân trên sàn, ho húng hắng vì bụi, khói, mùi rượu
mạnh, mùi xúc xích, mùi da thuộc thường trực.
Họ nhảy, họ hát, họ la hét, nhưng ai cũng nhớ rằng mình đang vui chơi.
Tựa hồ họ thi nhau, một cuộc thi tài khéo léo và dẻo dai.
Anh Sitanov say chuếnh choáng, hỏi hết người này đến người khác:
- Có thể nào yêu được người đàn bà như thế kia, hả?
Có lẽ anh sắp khóc òa lên.
Bác Larionovich nhô xương vai nhọn lên trả lời anh:
- Đàn bà nào chả là đàn bà, mày muốn gì cơ chứ?
Những người được nói đến dần dần biến đi đâu mất. Khoảng hai, ba
ngày sau bác Jikharev mới trở về xưởng. Bác đến nhà tắm, sau đó hàng nửa
tháng bác lại lặng lẽ ngồi làm việc trong góc, vẻ quan trọng, xa lạ với mọi
người.
- Họ đi rồi à? – Anh Sitanov tự hỏi, đưa cặp mắt xám xanh buồn bã
xem xét khu xưởng.
Khuôn mặt anh không đẹp, trông hơi già, nhưng cặp mắt của anh thì
trong sáng và hiền hậu.
Anh Sitanov đối xử với tôi rất thân thiết. Cũng là nhờ quyển vở dày
chép những bài thơ của tôi. Anh không tin Chúa, nhưng kể cũng khó mà biết
được rằng trong xưởng này ai là người tin yêu Chúa, trừ bác Larionovich ra.
Mọi người đều nói về Chúa với một vẻ hời hợt, giễu cợt như khi nói về bà