- Người ta chở cá vược và cá chiên của Ural từ đấy lại, từ biển Caspian
lại phải không? Như vậy là Ural thuộc miền biển!
Đôi khi tôi tưởng họ chế giễu tôi, họ nói nước Anh nằm ở phía bên kia
đại dương, còn Bonaparte thì vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc ở Kaluga.
Khi tôi kể cho họ những điều tai nghe mắt thấy, họ không tin tôi lắm, nhưng
mọi người đều thích các chuyện khủng khiếp và rắc rối. Ngay cả những
người đứng tuổi cũng rõ ràng thích chuyện bịa hơn chuyện thật. Tôi thấy rõ
rằng sự việc càng vô lí bao nhiêu, câu chuyện càng hoang đường bao nhiêu,
người ta càng chú ý nghe bấy nhiêu. Nói chung, thực tại không cảm kích
được họ, tất cả đều nhìn về tương lai với con mắt mơ màng, không muốn
nhìn đến sự nghèo nàn và xấu xa của hiện tại.
Điều đó càng khiến tôi ngạc nhiên hơn, tôi cảm thấy rất rõ những mâu
thuẫn giữa thực tế và sách vở. Trước mặt tôi là con người sinh động mà
trong sách vở không thấy được: bác Smouri, anh thợ đốt lò Yaakov, ông
khách lưu lạc Aleksasha Vassiliep, bác Jikharev, chị thợ giặt Natalya…
Trong hòm của Davidov có tập truyện ngắn của Golitzinski, cuốn Ivan
Vuijigin của Bulgarian, cuốn sách nhỏ của Nam tước Brambeus
. Tôi đã
đọc to tất cả những cuốn sách nhàu nát đó cho mọi người, họ đều rất thích.
Bác Larionovich bảo:
- Việc đọc sách dẹp được những cuộc cãi cọ và tán nhảm, cái đó tốt
lắm!
Tôi liền lo đi kiếm sách; tôi tìm được và hầu như tối nào cũng đọc. Thật
là những buổi tối tuyệt diệu, trong xưởng im lặng như đêm khuya, phía trên
bàn có treo những ngọn đèn thủy tinh hình cầu như những ngôi sao vừa
trắng vừa lạnh; tia sáng của chúng chiếu vào mấy cái đầu hói hoặc rối bù
đang gí sát xuống bàn. Tôi trông thấy những khuôn mặt trầm lặng, đăm
chiêu. Thỉnh thoảng lại có người thốt lên một tiếng, khen nhân vật hoặc tác
giả cuốn sách. Mọi người chăm chú và dịu dàng, trông khác hẳn trước đây;
tôi rất thích họ trong những giờ phút đó, và họ đối xử với tôi cũng rất tốt, tôi
thấy thoải mái, dễ chịu.