- Sách vở đối với chúng ta đã trở nên như mùa xuân, khi lần đầu tiên
những ô cửa sổ mùa đông được mở toang đón không khí trong sạch tràn vào.
– Có lần Sitanov đã nói như vậy.
Kiếm được sách không phải chuyện dễ; chẳng ai nghĩ tới chuyện ghi
tên đọc sách ở thư viện cả. Nhưng dù sao tôi cũng dùng mọi mánh khóe, nài
xin khắp nơi như xin của bố thí, và kiếm được vài cuốn sách nhỏ. Một hôm
ông đội trưởng đội cứu hỏa cho tôi một tập sách của Lermontov
, và lúc
đó tôi mới cảm thấy sức mạnh của thơ ca ảnh hưởng lớn lao tới mọi người
như thế nào.
Tôi nhớ là ngay từ khi mới đọc những dòng chữ đầu của bản trường ca
Con quỷ, Sitanov liền nhìn vào cuốn sách, sau đó nhìn vào mặt tôi. Anh đặt
bút lông trên bàn, nhét hai tay dài ngoằng ngoẵng vào giữa hai đầu gối,
người lắc lư, miệng mỉm cười. Cái ghế ở phía dưới anh kêu cọt kẹt.
- Im lặng nào, các cậu. – Bác Larionovich nói rồi cũng bỏ việc đi đến
bên bàn của Sitanov, nơi tôi ngồi đọc. Bản trường ca làm tôi xúc động say
sưa và nghẹn ngào, giọng tôi thường bị ngắt quãng, tôi nhìn không rõ những
câu thơ, nước mắt cứ trào ra. Nhưng cảm động hơn nữa là sự đi lại im lặng
và rón rén trong xưởng, mọi người từ từ quay lại, dường như có một miếng
nam châm hút họ tới chỗ tôi. Khi tôi đọc xong phần đầu, hầu hết anh em thợ
đều đứng quanh bàn, tựa sát vào nhau, ôm nhau, tươi cười hoặc trang
nghiêm.
- Đọc đi, đọc đi. – Bác Jikharev vừa nói vừa ấn đầu tôi xuống cuốn
sách.
Tôi đọc xong, bác giằng lấy cuốn sách, nhìn tên nó rồi cặp vào nách và
tuyên bố:
- Cuốn này cần phải đọc lại một lần nữa! Ngày mai cháu lại đọc. Để
bác giấu cuốn sách cho.
Bác đem “Lermontov” cất vào trong ngăn kéo của bác rồi lại bắt tay
vào công việc. Trong xưởng im lặng; mọi người rón rén trở về chỗ. Sitanov