- Cậu làm sao vậy?
- Tớ thương bọn họ quá
. – Nó nói. – Tớ đã sống cùng với họ hơn
ba năm nay rồi, tớ biết tất cả mọi người…
Tôi cũng thương những người này; chúng tôi nằm nói chuyện thì thầm
về họ, mãi không sao ngủ được. Chúng tôi thấy ở mỗi người đều có những
đức tính, những nét trung hậu, và ở tất cả mọi người đều có một điểm gì đó
khiến chúng tôi càng thêm thương họ với lòng thương trẻ thơ của chúng tôi.
Tôi sống với Pavel Odintzov rất thân ái; sau này nó trở thành một
người thợ giỏi, nhưng cũng chẳng được bền lâu; tới năm ba mươi tuổi nó bắt
đầu uống rượu tợn; sau đó tôi gặp nó ở chợ Khitrov ở Moskva, lúc này nó đã
biến chất thành một tay lưu manh. Gần đây tôi nghe đồn nó chết vì bệnh
thương hàn. Tôi rùng mình khi nghĩ đến biết bao nhiêu người trung hậu đã
chết một cách vô nghĩa ở thời đại của tôi! Tất cả đều mòn mỏi sống rồi mòn
mỏi chết, đó là lẽ tự nhiên, nhưng không nơi nào người ta lại mòn mỏi một
cách nhanh chóng, đáng sợ và vô nghĩa như ở nước Nga chúng ta…
Lúc ấy nó còn là một đứa bé đầu tròn, lớn hơn tôi hai tuổi, linh lợi
thông minh và ngay thật. Nó rất có tài, vẽ chim, mèo, chó rất giỏi, và vẽ
tranh châm biếm anh em thợ rất khéo, lúc nào nó cũng vẽ họ có cánh.
Sitanov là con chim mỏ nhát buồn bã đứng một chân, Jikharev là con gà
trống có cái mào rách, không có lông ở chóp, Davidov ốm yếu là con chim
te te khiếp sợ. Nhưng đạt hơn cả là ông thợ chạm Golovev được vẽ thành
một con dơi tai to, mũi rất mỉa mai và đôi chân nhỏ, mỗi chân có sáu móng.
Trên khuôn mặt tròn đen hiện lên hai vòng mắt trắng, hai con ngươi giống
như hai hột đậu đứng dựng giữa mắt – cái đó khiến khuôn mặt thiếu sức
sống và trông rất xấu.
Anh em thợ không bực mình khi Pavel cho họ xem những bức tranh
châm biếm, nhưng bức biếm họa về Golovev gây cho tất cả một ấn tượng
khó chịu, họ nghiêm khắc khuyên “họa sĩ”:
- Tốt hơn cả mày nên xé đi ngay, không lão già mà nhìn thấy thì lão sẽ
đánh mày chết mất!