Pavel Odintzov cũng nhiễm những suy nghĩ ấy của Sitanov. Nó vừa phì
phèo hút thuốc ra vẻ người lớn vừa triết lí về Chúa, về rượu chè, về đàn bà,
và nói rằng công việc gì rồi cũng sẽ hỏng hết, một số người làm ra một cái
gì đó, nhưng số khác lại phá hoại cái đã được tạo nên, không hiểu biết và
không quý trọng nó.
Trong những giờ phút đó, khuôn mặt sắc sảo dễ thương của nó nhăn lại,
như già đi. Nó ngồi lên giường kê trên sàn, ôm hai đầu gối và nhìn rất lâu
những ô cửa sổ vuông sơn màu xanh da trời, mái nhà kho bị những tảng
tuyết đè lên và những ngôi sao trên bầu trời mùa đông.
Thợ vừa ngủ vừa ngáy khò khò vừa rên rỉ; có người mê sảng, nói
những câu ngắt quãng, Davidov nằm trên phản khạc nhổ ra nốt mẩu đời còn
lại của mình. Trong góc nhà, những “bầy tôi của Chúa” là Kapendiukhin,
Sorokin và Pershin nằm sát vào nhau như bị trói chặt bởi giấc ngủ và cơn
say rượu. Những bức tượng thánh không mặt, không chân, không tay dựng ở
tường nhìn ra. Mùi dầu gai nồng nặc, mùi trứng thối, bùn chua két lại ở kẽ
sàn tỏa ra ngột ngạt.
- Trời ơi! Tớ thương họ quá! – Pavel thì thầm.
Như tôi đã nói, hai đứa tôi cảm thấy tất cả anh em thợ đều là những
người tốt, thế mà cuộc sống của họ lại khổ cực, không xứng đáng với họ và
buồn chán không thể chịu được. Vào những ngày đông bão tuyết, khi tất cả
mọi vật trên mặt đất – nhà cửa, cây cối – đều rung chuyển, gào thét, khóc
lóc, khi những tiếng chuông sầu não vang lên báo hiệu tuần chay, nỗi buồn
chán tràn vào xưởng tựa một làn sóng nặng như chì đè lên mọi người, hủy
hoại tất cả những gì còn sống trong người họ, đẩy họ vào quán rượu, tới đàn
bà – một phương tiện để lãng quên, cũng giống như rượu chè.
Vào những tối buồn thảm như vậy, sách vở không có tác dụng gì nữa.
Khi ấy tôi cùng với Pavel cố gắng dùng mọi cách giúp anh em thợ vui vẻ:
Chúng tôi lấy bồ hóng, thuốc màu bôi mặt, lấy xơ gai hóa trang và đóng
những vở hài kịch do chúng tôi soạn; chúng tôi dũng cảm đấu tranh với
buồn chán và bắt mọi người phải cười. Tôi nhớ lại Chuyện một anh lính cứu