sống Pyotr Đại đế và đem trình bày câu chuyện nhỏ đó dưới hình thức hội
thoại; chúng tôi leo lên gác lửng của anh Davidov và diễn ở đó, vui vẻ chặt
đầu những người Thuỵ Điển trong tưởng tượng khiến các khán giả cười phá
lên.
Họ rất thích truyện Con quỷ Trung Quốc của Trần Hữu Đông; Pashka
đóng vai con quỷ bất hạnh muốn làm điều thiện, còn tôi đảm nhiệm tất cả
các vai còn lại: Tôi đóng vai nam lẫn vai nữ, vai các đồ vật, vai thần Thiện
và thậm chí đóng cả vai hòn đá để con quỷ Trung Quốc ngồi nghỉ trong lúc
nó vô cùng chán nản sau mỗi lần định làm điều thiện mà không thành.
Các khán giả cười phá lên, tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao lại có
thể làm cho họ cười một cách dễ dàng đến thế, sự dễ dàng ấy khiến tôi hết
sức bực mình.
- Chà, lũ hề! Lũ múa rối! – Họ gọi chúng tôi như vậy.
Nhưng càng về sau tôi càng có ý nghĩ ám ảnh rằng nỗi buồn thường
gần với tâm hồn của những người này hơn là niềm vui.
Niềm vui không bao giờ bỗng nhiên xuất hiện, và bản thân sự xuất hiện
của nó cũng không đáng kể, nó có được là do người ta cố ý khơi lên từ lãng
quên, như một phương tiện để làm giảm bớt nỗi buồn rầu nặng trĩu trong
lòng những người Nga. Sức mạnh bên trong của niềm vui thật đáng nghi
ngờ, bản thân niềm vui không luôn tồn tại, chẳng phải vì nó muốn thế đâu,
mà nó chỉ có cơ hội xuất hiện khi bị những ngày buồn bã khích động.
Niềm vui của người Nga thường đột nhiên biến thành một tấm thảm
kịch tàn khốc. Có người đang nhảy múa như cố đập tan xiềng xích trói buộc
mình, bỗng đột nhiên thả con thú hung dữ nhất trong người ra, rồi trong cơn
buồn chán dữ dội đó, anh ta nhảy xổ vào mọi người, cắn xé, đập phá hết mọi
thứ.
Niềm vui giả tạo do những yếu tố bên ngoài tạo ra làm tôi tức giận. Bị
khích động đến quên cả bản thân, tôi bắt đầu kể và đóng những chuyện
ngông cuồng do tôi đột xuất tưởng tượng ra, vì tôi muốn gây cho mọi người
một niềm vui thực sự, tự do và thoải mái! Tôi cũng đạt được đôi chút thành