bước đi trịnh trọng, chậm rãi như một cố đạo. Tôi chào ông, ông che lòng
bàn tay nhìn tôi rồi ề à, vẻ suy nghĩ:
- A, mày đấy ư… Bây giờ mày là tay vẽ tượng thánh… Đúng, đúng…
Thôi, đi nhé, đi nhé!
Ông đẩy tôi sang bên, rồi tiếp tục đi vẫn với dáng điệu trịnh trọng và
chậm rãi.
Tôi ít gặp bà tôi; bà làm việc không biết mệt mỏi để nuôi thêm ông bị
bệnh lẫn cẫn tuổi già; ngoài ra bà còn vất vả với lũ con của các cậu. Nhất là
thằng Sascha, con cậu Mikhail, một thanh niên đẹp trai, mơ mộng và ham
đọc sách, đã làm bà tôi phải lo nghĩ nhiều. Nó làm việc ở các xưởng nhuộm,
và đổi chủ luôn. Trong những khoảng thời gian chờ đợi, nó sống bám vào
bà, yên trí chờ bà tìm cho nó một chỗ mới. Em gái của Sascha cũng hay
quấy rầy bà. Nó không may lấy phải một gã thợ nghiện rượu, gã đánh đập
nó và đuổi nó khỏi nhà.
Mỗi khi gặp bà, tôi càng khâm phục tâm hồn bà một cách có ý thức
hơn; nhưng tôi cảm thấy tâm hồn đẹp đẽ ấy bị những chuyện thần thoại làm
cho mù quáng, nó không có khả năng nhìn thấu, hiểu được những hiện
tượng thực tế chua xót. Những nỗi lo âu, lo lắng của tôi đều xa lạ với bà.
- Phải chịu đựng, Alyosha ạ!
Đó là tất cả những gì bà có thể nói với tôi để đáp lại các chuyện tôi kể
về cuộc sống quái gở, về nỗi đau khổ của mọi người, về nỗi buồn chán của
tôi, về tất cả những điều làm tôi phẫn nộ.
Tôi không sao quen được tính cam chịu, và nếu đôi khi tôi biểu lộ đức
tính ấy – vốn dĩ là đức tính của thú vật, của cỏ cây, của đá sỏi, thì chẳng qua
cũng chỉ để tự thử thách, để biết khả năng của mình đến đâu, biết mức độ
chịu đựng để tồn tại được trên trái đất này của mình. Nhiều thiếu niên mới
lớn, vì tính trẻ con ngu xuẩn, ganh tị với sức lực người lớn, thường cố sức
nâng những quả tạ quá nặng so với bắp thịt và xương cốt của chúng, huênh
hoang như các lực sĩ với những quả tạ hai pood.