Tôi cũng như vậy, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bằng cả thể lực và
tinh thần. Chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên nào đấy mà tôi đã không chết hay tàn
tật suốt đời vì cố gắng vô ích. Bởi không có gì hủy hoại con người một cách
đáng sợ bằng tính cam chịu, bằng sự khuất phục trước những sức mạnh của
ngoại cảnh.
Tuy nhiên, nếu không may giờ đây tôi tàn phế hay ngã xuống, trong giờ
phút cuối cùng tôi có thể hãnh diện nói rằng suốt bốn chục năm trời có
những người đã làm đủ mọi cách để bóp méo tâm hồn tôi, nhưng nỗ lực
ngoan cố của họ không thành công lắm.
Ý muốn mãnh liệt thích nghịch ngợm, mua vui cho thiên hạ, bắt họ
phải cười càng ngày càng choán lấy tôi. Tôi ngày một thành thạo, khéo kể
chuyện và bắt chước điệu bộ các con buôn ở chợ Nizhny, mấy ông bần
nông, các bà nông dân mua bán tượng thánh, gã quản lí lươn lẹo và những
nhà thông thái ưa tranh cãi.
Mọi người trong xưởng đều cười rộ; anh em thợ hay bỏ việc để xem tôi
biểu diễn, nhưng sau đó bao giờ bác Larionovich cũng khuyên tôi:
- Sau bữa tối cháu hãy biểu diễn thì hơn, kẻo làm cản trở công việc…
Sau khi “biểu diễn” xong, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được
gánh nặng. Khoảng nửa giờ đến một giờ, đầu óc tôi trở nên thảnh thơi dễ
chịu; nhưng sau đó hình như đầu tôi lại đầy những cái đinh nhỏ nhọn hoắt,
chúng quấy rầy, khiêu khích không để tôi yên.
Xung quanh tôi như có sự rối rắm bẩn thỉu nào đó sôi lên sùng sục, tôi
cảm tưởng mình đang bị rối lên trong đó.
Tôi nghĩ bụng: “Chẳng lẽ suốt đời như thế này ư? Ta sẽ sống như
những con người này, sẽ không tìm thấy, không nhìn thấy cái gì tốt đẹp hơn
ư?”
- Maksimovich ạ, sao dạo này cháu hay cáu thế? – Bác Jikharev vừa
nói vừa chăm chú nhìn tôi.
Sitanov thường hỏi: