Cặp mắt xanh của bác thẫm lại và ươn ướt. Trong những giây phút đó
trông bác đẹp và hiền lành lạ thường. Mọi người dường như đều có phần bối
rối trước đề nghị của bác, ngượng ngùng quay mặt đi chỗ khác.
- Dân bần nông không lừa dối quá quắt lắm đâu! – Bác Osip dễ thương
vừa thở dài vừa làu bàu, có vẻ như thương hại bần nông.
Bác thợ nề nước da ngăm ngăm đen cúi gập cái lưng gù trên mặt bàn,
nói giọng ồ ồ:
- Tội lỗi cũng giống như một bãi lầy vậy; càng ra xa càng nhầy nhụa!
Cậu chủ cũng bắt chước giọng họ, lẩm bẩm:
- Tôi ấy à? Cũng tùy việc tùy người chứ…
Triết lí xong, họ lại tìm cách lừa dối nhau. Tính toán xong, người nhễ
nhại mồ hôi và mệt mỏi vì căng thẳng, họ ra quán uống trà, mời cả cậu chủ
cùng đi.
Ở hội chợ, tôi phải theo dõi, không cho những người này lấy cắp đinh,
gạch và ván. Ngoài phần việc làm cho cậu chủ, người nào cũng có những
hợp đồng riêng, thành thử ai cũng cố tìm cách thó thứ gì đó ngay trước mặt
tôi để về dùng vào công việc của mình.
Họ đón tiếp tôi với thái độ dịu dàng, nhưng bác Shishlin nói:
- Anh có nhớ hồi trước anh định xin vào phường thợ của tôi không?
Bây giờ thì anh đã leo cao lắm rồi, anh sẽ là người cai quản tôi, phải không?
- Ồ… – Bác Osip pha trò. – Cứ việc trông, cứ việc cai quản, cầu Chúa
phù trì cho anh!
Bác Pyotr nhận xét một cách ác ý:
- Họ cho một con sếu non đến điều khiển những con chuột già…
Nhiệm vụ của tôi làm tôi bối rối vô cùng: Tôi thấy xấu hổ trước mặt
những con người đó; tôi cảm thấy tất cả bọn họ đều hiểu biết một điều gì rất
đặc biệt và rất tốt đẹp mà ngoài họ ra không ai biết, vậy mà tôi phải xem họ
như quân ăn cắp và lừa đảo. Những ngày đầu tiếp xúc với họ tôi rất khổ tâm,