Bác ngạc nhiên:
- Thật à?
- Việc này đáng lẽ đến buổi trưa hôm qua là phải xong, thế mà hôm nay
họ vẫn chưa làm xong…
- Đúng đấy, họ chưa làm xong đâu. – Bác đồng ý, và sau khi im lặng,
bác nói một cách dè dặt. – Tất nhiên là tôi cũng thấy, nhưng tôi không nỡ
thúc họ, họ là người cùng cánh, cùng làng tôi. Chẳng qua cũng vẫn là sự
trừng phạt của Chúa đấy thôi, cứ phải là làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới ra
miếng bánh mì mà ăn, đó là sự trừng phạt đối với tất cả chúng ta, cả anh lẫn
cả tôi nữa. Mà tôi với anh lại làm việc ít hơn họ, thành thử không tiện thúc
họ…
Bác luôn luôn tư lự. Nhiều khi, đang đi trên những đường phố vắng vẻ
của hội chợ, bác bỗng dừng lại trên một cây cầu bắc qua kênh Obvodni,
đứng rất lâu bên hàng tay vịn, nhìn nước, nhìn trời, nhìn xa xa bên kia sông
Oka. Nếu người nào bắt gặp và hỏi: “Bác làm gì thế?” thì bác như người vừa
tỉnh dậy, mỉm cười ngượng nghịu và trả lời: “À, có gì đâu… Tôi đứng nhìn
trời đất một chút…”
- Người anh em ạ, mọi thứ Chúa đều sắp đặt thật là khéo. – Bác thường
nói. – Nào trời, nào đất, nào sông chảy, nào tàu chạy. Cứ trèo lên tàu thủy là
đi đâu cũng được: đi Riazan hoặc Rybinsk, đi Perm hoặc đến Astrakhan! Tôi
đã đến Riazan rồi, thành phố ấy cũng không đến nỗi tồi, nhưng buồn lắm,
buồn hơn Nizhny. Nizhny của chúng ta, chà, vui lắm! Astrakhan còn buồn
hơn nữa. Ở Astrakhan cái chính là có nhiều người Kalmuck, mà tôi thì
không ưa họ. Tôi không thích dân Moldova, Ba Tư, Đức hay bất kì dân
ngoại lai nào…
Bác nói chậm rãi, những lời của bác như thận trọng dò kiếm một người
nào đó đồng tình với mình, và bác luôn luôn tìm thấy bác thợ nề Pyotr.
- Chúng có phải là dân ngoại lai đâu, mà là dân du mục. – Bác Pyotr
nói, giọng tin chắc và bực tức. – Chúng sinh ra ngoài ý Chúa, sống ngoài
mắt Chúa…