một tu sĩ, dùng lời nói để an ủi thiên hạ. Hoặc nếu không thì trở thành nhà
“triệu đạo”…
- “Truyền đạo”. – Bác thợ nề chữa lại, giọng không hiểu sao nghe có vẻ
bực bội.
- Sao? – Bác Osip hỏi lại.
- Tôi bảo: Phải nói là “truyền đạo”, anh còn lạ gì nữa! Anh có điếc
đâu…
- Thôi được, trở thành nhà truyền đạo, để rồi tranh cãi với bọn tà giáo.
Nếu không được thì gia nhập luôn vào phái tà giáo cũng lợi chán! Khi người
ta đã có trí tuệ thì tà giáo cũng vẫn nuôi sống người ta được.
Grigoriy cười ngượng nghịu, còn Pyotr lúng búng:
- Thì ngay bọn phù thủy sống cũng có đến nỗi nào, và mọi kẻ vô thần…
Bác Osip phản đối ngay:
- Bọn phù thủy là bọn vô học, học thức không thích hợp với bọn phù
thủy…
Rồi bác kể cho tôi nghe:
- Tôi nói anh nghe: Ngày trước ở xóm tôi có một gã cố cùng sống cầu
bơ cầu bất tên là Tuska. Gã là một bần nông ngu ngốc và đói khổ. Gã sống
như một cái lông chim, nay đây mai đó, gió thổi đi đâu thì bay đi đấy, chẳng
ra người làm lụng, cũng chẳng ra kẻ biếng nhác. Thế rồi một hôm, vì chẳng
có việc gì làm, gã bỏ đi hành hương. Gã lang bạt suốt hai năm trời, sau đó
bỗng một hôm gã xuất hiện với một dáng vẻ lạ lùng: Tóc dài đến vai, đầu
đội mũ chụp nhỏ, mình vận áo thầy tu màu hung đỏ bằng vải thô. Gã nhìn
mọi người bằng cặp mắt như mắt cá vược và nói một cách ngang ngạnh:
“Hãy sám hối đi, những kẻ đáng nguyền rủa kia!” Ai mà không có chuyện
phải sám hối, nhất là các bà? Thế là mọi việc đều đúng như ý muốn: Tuska
được chén no nê. Tuska uống rượu say khướt, còn đàn bà thì Tuska muốn
mụ nào cũng được…
Bác thợ nề cáu kỉnh ngắt lời: