thiết.
Mặc dù ở bác có những điều khó hiểu, bác là một người kiên định. Tôi
có cảm tưởng như dù có sống thêm một trăm năm nữa, bác cũng vẫn y
nguyên như thế, vẫn đứng vững giữa những con người hay dao động đến lạ
kì này. Lão già thông thái cũng từng gây cho tôi ấn tượng về tính cương nghị
như vậy, nhưng ấn tượng đó không khiến tôi dễ chịu lắm. Tính cương nghị
của bác Osip không giống thế, nó có phần dễ chịu hơn.
Sự thiếu kiên định của mọi người đập vào mắt tôi một cách quá ư rõ
rệt, những bước nhảy xảo trá của họ từ vị trí này qua vị trí kia từng làm tôi
xáo động. Tôi không còn đủ sức để ngạc nhiên trước những bước nhảy
không thể cắt nghĩa nổi ấy nữa, và dần dần chúng đã dập tắt mất lòng quan
tâm tha thiết của tôi với mọi người, làm lung lay lòng yêu mến của tôi với
họ.
Một hôm, vào đầu tháng Bảy, một cỗ xe ngựa ọc ạch vội vã chạy đến
chỗ chúng tôi làm việc. Trên yên của người đánh xe có một bác xà ích say
rượu rậm râu, đầu để trần, môi bị rách, vừa ngồi vừa nấc một cách buồn bã.
Trong xe, bác Grigoriy Shishlin say xỉn nằm ườn ra. Một cô ả to béo má đỏ
đỡ nách bác ta. Cô ả đội mũ rơm tết băng đỏ và đính những quả anh đào
bằng thủy tinh, tay cầm một cái ô nhỏ, chân đi giày cao su không bít tất. Cô
múa may cái ô, người đung đưa, vừa cười hô hố vừa la hét:
- Ồ, lũ quỷ sứ! Hội chợ chưa khai mạc, chưa có hội chợ thế mà họ lại
lôi mình đến hội chợ!
Bác Grigoriy người phờ phạc, ủ rũ, bò từ trên xe xuống, ngồi phệt
xuống đất, vừa khóc vừa nói với chúng tôi – những người đứng xem:
- Tôi… Tôi xin quỳ ở đây, tôi đã phạm quá nhiều tội lỗi rồi! Tôi đã suy
nghĩ mà vẫn phạm tội, như thế đấy! Efimushka bảo: Grisha, Grisha! Hắn
nói… Hắn nói đúng đấy, nhưng xin các người hãy tha thứ cho tôi! Tôi có thể
thết đãi tất cả các người. Hắn nói đúng đấy: Chúng ta chỉ sống có một lần…
sống quá một lần không thể được…
Cô gái cười ran, giậm chân, văng cả giày cao su. Gã xà ích cau có: