thoảng cậu bỗng nổi nóng vì những chuyện nhỏ nhặt, quát tháo mọi người
và bỏ đi, đến đêm khuya mới bò về, say mèm… Hình như trong đời cậu đã
xảy ra một chuyện gì, ngoài cậu ra không ai biết, khiến cậu đau khổ, và giờ
đây cậu sống với thái độ hoài nghi, miễn cưỡng, buông xuôi.
Ngày lễ, từ bữa trưa cho đến chín giờ, tôi đi chơi; tối tối tôi ngồi trong
quán ăn ở phố Yamskaya. Lão chủ quán, to béo và lúc nào cũng đầm đìa mồ
hôi, rất thích nghe hát. Những người hát ở hầu hết các nhà thờ biết thế và
thường tụ tập ở chỗ lão. Họ hát xong, lão chủ mời họ uống vodka, bia, trà.
Người hát toàn dân nát rượu, họ hát chẳng khoái hoạt, chẳng ra kiểu cách gì
cả, chỉ cốt để được mời ăn, bài hát của họ thường là những bài thánh ca. Vì
có nhiều khách nghiện rượu sùng đạo cho rằng quán ăn không phải là nơi để
hát thánh ca nên có khi lão chủ mời họ tới phòng riêng; lúc ấy tôi chỉ còn
nghe thấy tiếng hát qua khe cửa. Ở quán ăn, không hiếm bần nông quê mùa
và thợ thủ công tới hát. Chính lão chủ quán đích thân đi khắp thành phố tìm
kiếm người hát, lão hỏi dò những người tốt giọng trong số nông dân đi chợ
phiên và mời họ tới nhà.
Người hát bao giờ cũng ngồi cạnh bàn bán thức ăn nguội, gần cái thùng
gỗ nhỏ đựng rượu vodka.
Người hát hay hơn cả, người luôn có những bài tôi thích nhất, là anh
thợ da Kleshtchkov. Anh người nhỏ bé gầy còm, nét mặt ủ rũ, mái tóc hung
xõa thành từng món, cái mũi nhỏ ánh lên như mũi người chết, cặp mắt ti hí
ngái ngủ không động đậy.
Có lúc anh nhắm mắt, tựa gáy vào đáy thùng, ưỡn ngực ra rồi bắt đầu
hát rất nhanh, giọng khe khẽ nhưng cao vút không ai địch nổi:
Sương mù buông xuống cánh đồng khô,
Và che khuất những nẻo đường xa vắng…
Đến đây anh đứng dậy, dựa vào bàn bán thức ăn, ưỡn người ra sau, mặt
ngẩng lên trần nhà, miệng hát rất ý vị:
Ôi, ta biết đi đâu, biết đi đâu,