Tôi cũng rời khỏi cánh đồng, lòng nặng trĩu, trong trí óc ngân lên
những lời quở như một tiếng vang không rõ ràng: “Tai họa cho thành phố
Ariel!…”
Trước mắt tôi hiện ra một cảnh tượng nặng nề: Viên cảnh sát từ từ móc
trong túi áo ba đờ xuy
ra một sợi dây, “nhà tiên tri dữ dội” ngoan ngoãn
khoành hai cánh tay đỏ tía đầy lông lá ra sau lưng và bắt chéo hai bàn tay lại
một cách khéo léo…
Ít lâu sau tôi được biết “nhà tiên tri” ấy đã bị trục xuất khỏi thành phố.
Sau đó anh Kleshtchkov cũng biến mất; anh lấy được một bà vợ giàu có và
dọn về huyện ở, mở một xưởng làm đồ da.
… Tôi hết sức tán dương các bài hát của anh thợ da với cậu chủ, đến
nỗi có lần cậu bảo:
- Cần phải nghe anh ta hát mới được…
Thế là cậu đã trố mắt ngồi sau chiếc bàn con, đối diện với tôi, nhướn
cặp lông mày lên, vẻ kinh ngạc.
Trên đường tới quán ăn, cậu cười nhạo, và những phút đầu tiên vào
quán cậu vẫn chế giễu tôi, chế giễu đám người nghe và thứ mùi ngột ngạt
trong quán. Khi anh thợ da bắt đầu hát, cậu mỉm cười vẻ châm biếm và rót
bia vào cốc; nhưng rót được nửa cốc thì cậu ngừng lại:
- Ồ… Đồ quỷ quái!
Tay cậu run run, cậu khẽ đặt chai bia xuống và chăm chú nghe:
- Chà, anh bạn ạ… – Khi Kleshtchkov hát xong, cậu thở dài. – Quả thật
anh ta hát khá lắm… Mẹ kiếp! Thậm chí mình phát nóng lên.
Anh thợ da lại cất tiếng hát, đầu ngẩng, mắt nhìn lên trần nhà:
Cô gái trẻ một làng giàu có,
Trên đường đi băng giữa cánh đồng…
- Hát hay thật… – Cậu chủ nói khẽ, gật gật và mỉm cười.
Kleshtchkov ngân lên như tiếng sáo: