cợt:
- Anh nhận xét xác đáng đấy! Cho rằng nó không liên can gì đến anh,
nhưng có thể cũng có ích! Anh có còn chú ý thấy rằng…
Rồi bác kể bằng những lời lẽ hơi khô khan, thường chen vào các câu
khôi hài, những so sánh đột ngột và đủ thứ chuyện tếu táo:
- Người ta thường than vãn: Ít đất quá! Đến mùa xuân, sông Volga bồi
hai bờ sông, có thêm đất nhưng khiến lòng sông nông hơn. Lúc ấy họ phàn
nàn: Sông Volga nông quá! Rồi thì dòng nước lũ và những trận mưa mùa hè
gây xói lở, sông lại sâu và đất lại ít!
Bác không tỏ vẻ thương xót cũng không có ác ý, dường như bác tự hào
về nhận xét xác đáng của mình. Mặc dù những lời của bác trùng với ý nghĩ
của tôi, tôi vẫn không thích nghe.
- Anh có còn chú ý thấy rằng: Những đám cháy…
Tôi nhớ hình như không mùa hè nào phía bên kia sông Volga không có
cháy rừng. Hằng năm, vào tháng Bảy, bầu trời bị che kín bởi một đám khói
vàng đục; mặt trời đỏ tía như một con mắt đau nhìn xuống mặt đất.
- Rừng rú không có nghĩa lí gì cả. – Bác Osip nói. – Đó là tài sản của
quý tộc hoặc của nhà nước; bọn bần nông làm gì có rừng. Thành phố có
cháy cũng không quan trọng lắm; ở thành phố toàn là bọn giàu có, không
nên thương chúng nó! Anh cứ thử đếm trong một mùa hè có biết bao nhiêu
thôn xóm, làng mạc bị cháy! Có lẽ không dưới một trăm, đó mới thật là một
sự tổn thất!
Bác khẽ cười:
- Có tài sản, nhưng không biết sử dụng! Cứ theo anh với tôi thì người ta
làm việc không phải cho bản thân, không phải vì ruộng đất, mà cho lửa và
nước!
- Tại sao bác lại cười?
- Tại sao à? Không thể dùng nước mắt dập tắt đám cháy được, và nước
mắt cũng không làm dữ thêm dòng nước lũ!