Tôi vui mừng vì có dịp nói chuyện với một người biết sống vui vẻ, từng
trải và chắc là hiểu biết nhiều. Tôi còn nhớ rõ những bài ca sôi nổi, buồn
cười của cậu, và trong trí nhớ của tôi vẫn vang vang những lời ông nói về
cậu:
“Nó hát thì như vua David, nhưng làm thì lại như Absalom độc ác!”
Trên đại lộ có trồng hai hàng cây, một tốp người ăn mặc sạch sẽ đi
ngang qua chỗ chúng tôi, đó là những quý bà giàu có, mấy viên công chức
và vài sĩ quan. Cậu tôi mặc áo bành tô mùa thu cũ kĩ, đội mũ lưỡi trai nhàu
nát, đi đôi ủng màu hung; cậu co mình lại, chắc là ngượng vì bộ quần áo.
Chúng tôi tới một quán ăn ở khe Pochainski và ngồi sát cửa sổ trông ra chợ.
- Cậu có nhớ cậu đã hát:
Một gã ăn mày phơi đôi xà cạp,
Gã ăn mày khác xoáy mất lúc nào…
Vừa thốt ra những câu hát đó, tôi bỗng lần đầu tiên nhận thấy ý giễu cợt
của nó và nhận ra người cậu vui tính ấy là một người độc ác và thông minh.
Nhưng sau khi rót đầy rượu vodka vào ly, cậu nói với vẻ đăm chiêu:
- Đúng, cậu đã sống rất thoải mái, rất kì quặc, nhưng vẫn còn ít! Bài hát
không phải của cậu mà là của một thầy giáo trường dòng, tên ông ta là gì
nhỉ? Ông ấy chết rồi, nên cậu cũng quên mất. Cậu với ông ấy sống như bạn
bè. Ông ta chưa vợ, rượu chè be bét và đã chết cóng. Cậu nhớ có biết bao
nhiêu người đã trở nên nghiện ngập, khó mà tính nổi! Cháu không uống
chứ? Chớ uống, hãy khoan đã. Cháu có thường gặp ông không? Ông là một
lão già kì cục. Hình như ông mất trí rồi thì phải.
Sau khi uống rượu, cậu tươi tỉnh hẳn lên, thân thể cũng ngay ngắn hơn,
trông trẻ ra và hoạt bát hơn.
Tôi hỏi cậu về câu chuyện tù nhân.
- Cháu nghe đồn à? – Cậu hỏi dò, nhìn quanh rồi hạ thấp giọng. –
Chuyện tù nhân ư? Cậu không phải là kẻ xử tội họ. Cậu thấy họ cũng là