riêng, đến kiếm củi, đẵn cây khô, không từ cả những cây còn sống. Mùa thu,
từng tốp người tay cầm rìu, lưng thắt dây vào rừng kiếm củi dự trữ cho mùa
đông.
Tờ mờ sáng, ba chúng tôi đi trên cánh đồng xanh lấp lánh sương mai
bạc. Bên trái, phía bên kia sông Oka, mặt trời của nước Nga uể oải chậm
chạp thức dậy giữa những đồi xanh của các vườn quả, những nóc tròn vàng
óng của các nhà thờ, trên sườn núi “Chim gõ kiến” màu hung, trên thành
phố Nizhny – Novgorod trắng xóa. Một làn gió ngái ngủ nhè nhẹ thổi từ
phía dòng Oka êm đềm nước đục lờ đờ tới. Hoa mao lương vàng óng trĩu
nặng sương mai khẽ lay động. Hoa chuông cánh màu tím thầm lặng nghiêng
mình sát đất. Hoa cẩm chướng – “nàng tiên nữ ban đêm” – nở ra những ngôi
sao hồng thắm…
Khu rừng tiến về phía chúng tôi như một đội quân màu sẫm. Những
cây bạch dương giống các nàng thiếu nữ. Mùi chua chua của bãi lầy tràn
khắp cánh đồng. Con chó đi cạnh tôi thè cái lưỡi hồng, dừng lại, ngửi ngửi,
rồi lắc lư cái đầu cáo một cách băn khoăn.
Ông tôi mặc chiếc áo cộc của bà, đội mũ cát két cũ không có lưỡi trai.
Ông nheo mắt, mỉm cười một mình, bước rón rén với đôi chân nhỏ nhắn tựa
kẻ ăn trộm. Bà tôi mặc áo cánh xanh lơ, váy đen, trùm khăn trên đầu. Bà
lướt rất nhanh trên mặt đất, khó mà theo kịp bà.
Càng gần tới rừng ông càng hoạt bát. Ông vừa hít không khí vừa lẩm
bẩm, lúc đầu còn đứt quãng, không rõ, sau cao hứng, ông nói với giọng vui
vẻ, bay bướm:
- Rừng là vườn cây của Chúa. Không ai gieo chúng cả ngoài luồng gió
của Chúa, hơi thở thiêng liêng từ miệng Người. Ngày xưa, ở vùng Zhiguli,
khi ông còn trẻ và còn làm phu kéo thuyền… Chao ôi, Leksej, cháu sẽ
không được thấy và chịu đựng những điều ông đã trải qua đâu! Dọc sông
Oka suốt từ Kasimov đến Mouron toàn là rừng, phía bên kia sông Volga
cũng là rừng kéo dài đến tận Ural, chà!… Tất cả những khu rừng ấy thật là
bao la, vô cùng tuyệt diệu…