theo quy mô. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng với các công ty
thành công vượt trội. Tại đây, trong hầu hết mọi trường hợp, quy
mô nhỏ là hoàn hảo nhất. Không những hiệu quả nhất mà người
công nhân cũng cảm thấy hưng phấn, nhiệt tình và làm việc với
năng suất cao – trong trao đổi thông tin (và cạnh tranh) với đồng
nghiệp. Do đó, chúng tôi nhận ra rằng trong lĩnh vực có tầm quan
trọng sống còn này, thật sự không có sự mâu thuẫn nào cả. Quy mô
nhỏ, chất lượng, sự ham thích, tính tự quản và hiệu quả – tất cả
đều thuộc về một mặt của đồng tiền. Chi phí và hiệu quả, xét về
lâu dài, có được là do tập trung vào chất lượng, dịch vụ, đổi mới, chia
sẻ thành quả, tham gia đóng góp, sự ham thích và chú trọng giải
quyết vấn đề bên ngoài công ty được cải biến sao cho thích hợp
với khách hàng. Thu nhập cũng là yếu tố được nhắc đến trước
tiên. Song một khi quả bóng đã lăn, việc kiểm soát chi phí và sự hiệu
quả của quá trình đổi mới trở thành những mục tiêu song hành và
hoàn toàn có thể thành công.
Điều ngạc nhiên là, sự mâu thuẫn giữa việc chấp hành và tính tự
quản cũng trở thành một nghịch lý. Quả thực, nghịch lý này hầu như
có mặt ở khắp mọi nơi. Ví dụ, các công trình nghiên cứu tại các
trường học đã chỉ ra rằng các lớp học đạt hiệu quả là các lớp trong
đó kỷ luật được duy trì nghiêm ngặt: học sinh được yêu cầu đến lớp
đúng giờ; làm bài ở nhà đầy đủ, nộp và chấm điểm xếp hạng. Mặt
khác, như là một quy luật tổng quát, các lớp học đạt hiệu quả nói trên
đều do các giáo viên nhấn mạnh đến các thông tin phản hồi
mang tính tích cực, công bố các kết quả học tập tốt, biểu dương,
khen ngợi và rèn luyện học sinh. Tương tự, khi nhìn vào McDonald’s
hay bất cứ công ty thành công vượt trội nào khác, chúng tôi cũng
đều khám phá ra rằng tính tự quản là sản phẩm của sự kỷ luật. Kỷ
luật (và một số ít các giá trị chung) cung cấp khuôn khổ và đem
đến sự tin cậy cho nhân viên (để thử nghiệm chẳng hạn), chúng
xuất phát từ niềm tin vững chắc về những gì thật sự quan trọng.