- Nào, uống nốt trà đi, nó đang nguội kìa. Bà có cả bánh Madeleine nữa,
nếu cháu muốn. Tự tay bà làm với trứng chim cút đấy.
- Thôi ạ, cháu cảm ơn bà. Cháu phải đi đây. Một ngày nào đó bà qua căn hộ
mới của chúng cháu chơi nhé, chúng cháu dọn đến đó xong rồi.
- Đồng ý, nhưng chờ đã, đừng có đi mà quên lá thư.
Kiên trì lục cái tủ tường lớn và mấy cái hộp sắt, cuối cùng bà cũng thấy cái
phong bì trắng trên đó ghi dòng chữ viết vội: “Gửi Jonathan Wells.” Mép
gập của phong bì được bảo vệ bằng nhiều lớp băng dính để tránh bị mở
không đúng lúc. Anh cẩn thận xé phong bì. Một tờ giấy nhàu nhĩ, loại sổ
tay học sinh, rơi ra. Anh đọc một câu duy nhất ghi trong đó:
“TUYỆT ĐỐI KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC XUỐNG KHO CHỨA ĐỒ!”
Con kiến rung rung mấy sợi râu. Nó như chiếc ô tô người ta bỏ lâu dưới
tuyết và người ta thử khởi động lại. Con đực làm như thế nhiều lần. Nó xoa
cho con kiến thợ. Bôi cho con cái chút nước dãi nóng.
Sống rồi. Xong, động cơ được khởi động trở lại. Một mùa trôi qua. Mọi thứ
lại bắt đầu như thể nó chưa bao giờ trải qua kỳ “tạm chết”.
Nó vẫn xoa cho con kiến thợ để truyền thêm năng lượng. Bây giờ, kiến thợ
đã khỏe hơn. Trong khi nó tiếp tục vất vả, kiến thợ hướng râu về phía nó.
Kiến thợ cù nhè nhẹ nó. Kiến thợ muốn biết nó là ai.
Kiến thợ sờ khúc đầu của con kiến đực, bắt đầu từ hộp sọ và đọc tuổi của
nó: một trăm bảy mươi ba ngày tuổi. Trên khúc thứ hai, kiến thợ xác định
đẳng cấp của nó: kiến đực giống. Ở khúc thứ ba, loài và tổ của nó: kiến đỏ
hung ở rừng thuộc thành phố mẹ Bel-o-kan. Ở khúc thứ tư, con kiến thợ
nhận ra số lứa sinh dùng để nhận dạng nó: nó là con kiến đực thứ 327, được
sinh ra từ hồi đầu mùa thu.
Tới đó, kiến thợ ngừng đánh hơi tìm hiểu. Những khúc khác không phát
thông tin. Khúc thứ năm dùng để tiếp nhận các phân tử dấu vết. Khúc thứ
sáu được dùng cho những hội thoại đơn giản. Khúc thứ bảy cho phép những