Chủ hộ: Nguyễn Thị Khuôn."
"Cái số 125091 này." Ông ta kéo ngón tay thô kệch ngang trên mặt trang
giấy và giải thích cho mẹ tôi "là số hộ của bà. Chúng tôi không dùng chữ
gia đình vì nó có vẻ cá nhân quá, riêng tư quá. Chúng tôi coi mỗi gia đình
là một hộ, giống như trong cơ thể, mỗi một tế bào là một phần tử cấu thành
của thân thể. Tôi khuyên bà nên giữ cuốn sổ này như giữ mạng sống của
mình. Trong thời gian chờ đợi thì đây là căn cước của bà. Đi đâu bà cũng
phải mang nó theo cho đến khi nhà nước thay thế bằng một hệ thống khác
tiện lợi hơn. Trong này có tên tất cả mọi người, cho nên các người đi đâu
cũng phải đi chung với nhau, bất cứ lúc nào. Khi bà đến chỗ mới, không
được nhận thêm bất cứ người nào, cũng không được để bất cứ người nào bỏ
đi. Mỗi ngày, giới nghiêm từ 6 giờ chiều, mọi người phải ở trong nhà, bởi
vì có thể có khám xét bất thường vài lần mỗi tuần. Đó là lệnh. Khi có khám
xét thì công an sẽ coi theo quyển sổ này và đếm đầu người. Nếu có thêm
người lạ, thì chủ hộ và người đó sẽ bị đưa đi tù khổ sai. Bà thông suốt
chưa? Được rồi, bây giờ bà đọc chậm rãi cho tôi ghi địa chỉ mới của bà."
Trong khi mẹ tôi đánh vần từng chữ cái địa chỉ mới cho ông Trần thì vú
Loan và cả gia đình bước vào lặng lẽ đứng nhìn.
"Có bao nhiêu người trong hộ của bà?" Ông Trần hỏi mẹ tôi.
"Thưa ông, tôi có phải tính luôn đứa bé trong bụng không?"
" Đừng có ngu như vậy." Ông ta nhướng mày lên. "Có bao nhiêu người
trong hộ của bà, tính người già, người lớn và con nít. Không tính cái bụng
của bà. Khi nào sanh thì bà sẽ đăng ký đứa nhỏ đó ở bệnh viện."
"Sáu người. Hai ông bà già, hai người đàn bà và hai bé trai."
Bị bỏ quên trong góc nhà từ nảy giờ, ông Lâm lên tiếng: "Bảy, kể cả một
người đàn ông. Đừng quên tôi chớ!"
Ông Trần ném cho ông Lâm một cái nhìn đe dọa, rồi nạt:
"Tôi đang nói chuyện với ông hả?"
Ông Lâm đỏ mặt, đứng yên.
Ông Trần tiếp:
"Chủ căn hộ này không cho tôi biết là có một người đàn ông. Như vậy thì
ông tự cho ông cái quyền được để tên vào đây. Có phải vậy không?"