chợt dừng lại trước một bức tranh. Người đàn ông được vẽ trong
bức tranh treo chính giữa bức tường lớn dường như chỉ nhìn vào nó.
- Đây là một bức tự họa, cha anh thì thầm, ông ta đã tự vẽ chính
mình, rất nhiều họa sĩ làm như vậy. Giới thiệu với con, đây là
Vladimir Radskin.
Và thế là chú bé bắt đầu đùa chơi với người họa sĩ già. Cho dù nó
trốn sau chiếc cột to, chạy vòng vèo khắp gian phòng theo hướng
này hay hướng khác, dù nhanh hay chậm, dù bước lên hay xuống,
ánh mắt kia vẫn dõi theo và chỉ tập trung vào một mình nó. Ngay cả
khi nó nhắm tịt mắt, đứa trẻ biết rằng “người đàn ông trong bức
tranh vẫn nhìn nó đăm đăm”. Như bị mê hoặc, nó bước lại gần bức
tranh và cứ đứng như vậy hàng giờ. Dường như tất cả đồng hồ
trong vòng nghìn dặm quanh nó đã ngừng kêu tích tắc, như hai thời
đại đã hòa nhập vào nhau bởi sức mạnh của một cái nhìn, một cảm
xúc duy nhất. Bằng tất cả tâm hồn của tuổi mười hai, Jonathan bắt
đầu tưởng tượng. Bằng một ét cọ trên một bức tranh vượt lên mọi
nguyên tắc vật lý, đôi mắt người đàn ông đã gửi qua hàng thế kỷ
những lời mà chỉ một mình đứa bé nghe được. Cha anh đã tìm được
một chỗ ngồi phía sau anh, trên một chiếc ghế băng. Jonathan say
mê ngắm nhìn bức tranh như bị hút hồn: cha anh ngồi ngắm đứa
con trai, bức tranh đẹp nhất của đời ông.
- Thế nếu ông không đưa anh tới bảo tang ngày hôm đó, thì giờ
anh sẽ làm gì? Clara hỏi bằng giọng rụt rè.
Có phải cha anh, người đàn ông với nụ cười luôn hiện trên môi
hay là số phận đã dẫn bước anh tới bức tranh treo tại phía tường ấy?
Hay là cả hai? Jonathan không trả lời. Tới lượt anh hỏi Clara điều gì
đã gắn bó cô với người họa sĩ già. Cô mỉm cười, nhìn chiếc đồng hồ
trên gác chuông Big Ben phía xa xa, đứng lên và vẫy một chiếc ta-xi.
- Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, cô nói.
Jonathan không gặng hỏi, anh vẫn còn có hai ngày nữa, và nếu
vận may mỉm cười với anh, nếu bức họa thứ năm thực sự tồn tại, có
thể anh sẽ còn ba ngày ở bên cô.