lắm, có phải không?”
Nó vứt xuống bàn học của tôi bó thư nho nhỏ. Tôi ngỡ ngàng đọc tên người
gửi trên phong bì.
“Hãy đọc hết đi”, Kashiwagi nói với một giọng tự nhiên. “Đó là tập lưu
niệm Tsurukawa gởi cho tớ.”
“Thế ra Tsurukawa và cậu là bạn bè với nhau hả?” tôi hỏi.
“Ừ, xem nào. Đúng, tớ nghĩ là một người bạn theo cách riêng của tớ. Hồi
sinh tiền chính Tsurukawa rất ghét ai coi nó là bạn của tớ. Đồng thời tớ
cũng là người duy nhất nó có thể thổ lộ nỗi lòng. Nó qua đời đã được ba
năm rồi, nên tớ nghĩ rằng đem những lá thư này cho mọi người xem thì
cũng chẳng sao. Cậu thân với nó lắm, nên tớ nghĩ để riêng một mình cậu
xem mà thôi. Từ trước tớ đã có ý vào một ngày nào đó để cho cậu xem
những lá thư này.”
Ngày tháng ghi trên những lá thư này đều vào khoảng tháng năm Chiêu hòa
thứ 22 (1947) ngay trước khi nó chết. Nó viết những lá thư ấy từ Tokyo và
gửi cho Kashiwagi hầu như đều đặn mỗi ngày. Nó chẳng gửi một lá nào
cho tôi, nhưng đã viết cho Kashiwagi đều đặn mỗi ngày sau khi trở về
Tokyo. Chắc chắn là những lá thư này là của Tsurukawa - làm sao mà lầm
được nét chữ trẻ con, gẫy góc, vụng về của nó. Tôi cảm thấy hơi ghen tị.
Hình như Tsurukawa chưa bao giờ thèm để ý dấu tôi những cảm tình trong
sáng của nó; đôi khi nó đã nói xấu Kashiwagi và cố gắng ngăn cản tôi giao
du với thằng này, vậy mà chính nó đã giao du bí mật với chính thằng này.
Tôi bắt đầu đọc những lá thư theo thứ tự ngày tháng. Những lá thư viết
bằng thứ chữ nhỏ bé trên những tờ giấy chép bài mong mỏng. Văn chương
rất là vụng về. Tư tưởng hình như hơi lộn xộn khiến cho người đọc khó có
thể theo dõi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đằng sau những câu văn rối loạn,
lộn xộn có cả một nỗi niềm thống khổ mịt mờ; và khi tôi đọc đến lá thư
cuối cùng tất cả những thống khổ mà Tsurukawa đã trải qua hiện ra rành
rành trước mắt tôi. Trong lúc tôi tiếp tục đọc thư, nước mắt tôi tuôn tràn và
đồng thời tôi thấy bàng hoàng cả người trước nỗi bất hạnh, thống khổ tầm
thường của Tsurukawa.
Chẳng qua chỉ là một truyện tình vụn vặt, tầm thường - mối tình đau đớn