“Không phải là gạo chợ đen đâu,” ông nói cho tất cả mọi người đều nghe
biết. “Đó là đồ cúng dường của các đạo hữu. Mình có thể vui sướng và biết
ơn mà ăn thứ cơm gạo này.”
Ba nói để cho tất cả mọi người trên toa tầu ai ai cũng có thể nghe thấy,
nhưng khi bắt đầu ăn thực sự thì ông chỉ ăn được có một nắm nhỏ xíu.
Tôi không nghĩ là đoàn tầu cổ lổ đầy mồ hóng này thực sự chạy tới đô thị.
Tôi nghĩ nó đang chạy đến nhà ga của tử thần. Một khi tư tưởng này đã lẫn
vào đầu óc tôi, mỗi lần con tầu chui qua một đường hầm, tôi lại thấy có cái
mùi của một lò đốt xác người.
Dù sao cuối cùng khi đứng trước tổng môn của Lộc Uyển tự, tôi vẫn thấy
tim nện thình thịch trong lồng ngực. Bây giờ tôi sắp sửa được thấy một
trong những cái đẹp vào hạng nhất trên đời.
Mặt trời đã bắt đầu lặn xuống và sương mù đã phủ kín núi đồi. Có nhiều du
khách khác bước chân qua cổng vào khoảng cùng một lúc với cha con
chúng tôi. Gác chuông đứng bên trái cổng vào, xung quanh có cả một rừng
mai còn đầy những cánh hoa tàn.
Một cây lịch lớn mọc trước huyền quang của chính điện. Ba đứng trước cửa
và nói với người đưa đường xin phép đi vào. Viện trưởng viết mấy chữ cho
biết ông ta đang bận tiếp một lai khách và yêu cầu chúng tôi vui lòng chờ
đơi chừng hai ba mươi phút nữa.
“Mình hãy dùng thời gian này đi một vòng mà ngắm Kim Các Tự,” Ba nói.
Hiển nhiên, Ba muốn cho tôi thấy rằng ông được nể nang đôi chút ở nơi
này nên ông thử cố đi qua tham quan môn, cái cổng dành cho du khách mà
không trả tiền mua vé vào cửa.
Nhưng từ thời gian mười mấy năm trước lúc ba thường hay tới thăm nơi
này, cả người bán vé và vừa lẫn người thu vé vào cửa tự dạo đó đều đã đổi
hết cả rồi.
“Lần sau mình tới đây,” Ba nói với một giọng lạnh lùng, “chắc là họ lại
thay đổi nữa mất”.
Nhưng tôi cảm thấy là Ba không còn thực sự tin tưởng vào cái “lần sau” ấy
nữa.