vẻ đẹp ở đằng kia. Một trạng thái chẳng bao giờ biến đổi trên cõi đời này.”
Sự chiến bại của đất nước đối với tôi thật đúng chỉ là một kinh nghiệm
tuyệt vọng. Ngay cả tới bây giờ tôi vẫn còn có thể nhìn thấy cái ánh sáng
màu hè giống như ánh lửa vào cái ngày thất trận ấy, ngày 15 tháng Tám.
Dân chúng nói rằng mọi giá trị đều băng hoại; nhưng chính trong lòng tôi
ngược lại, sự vĩnh viễn đã bừng tỉnh, hồi sinh và đòi hỏi quyền lợi của
mình. Cái sự vĩnh viễn đã bảo tôi rằng Kim Các Tự sẽ vĩnh viễn tồn tại ở
đó. Cõi vĩnh cửu đã từ trên trời giáng xuống, dính chặt vào má, vào tay, vào
bụng chúng tôi, rồi cuối cùng chôn vùi chúng tôi. Cái đó chính là một lời
nguyền rủa. Đúng thế, vào cái ngày chiến tranh chấm dứt, trong những
tiếng ve sầu từ các núi đồi chung quanh vọng lại, tôi có thể nghe thấy sự
vĩnh viễn này, giống như một lời nguyền rủa lửng lơ trên đầu tôi, nó đã
khép chặt tôi vào chất vữa vàng óng.
Tối hôm đó trong buổi tụng kinh trước giờ khai chẩm, chúng tôi đặc biệt
tụng những bài kinh cầu an cho Hoàng đế và an ủi vong linh những người
đã chết trong cuộc chiến. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, mặc áo cà sa đơn
giản đã trở thành thói quen trong những tông phái, nhưng đêm nay Lão sư
phụ đặc biệt mặc chiếc áo cà sa ngự điều bằng lụa đào mà ông đã cất kỹ từ
nhiều năm qua. Bộ mặt đầy đặn, mở màng của ông, trông giống như thể
không hề còn một nếp nhăn nào, hôm nay có vẻ hồng hào, mạnh khỏe và
dường như đang tươi tắn nở nang hẳn lên vì thỏa mãn về cái gì đó. Trong
đêm tối nóng bức, tấm áo cà sa nhẹ mát của ông sột soạt nghe rõ mồn một
trong ngôi chùa.
Sau buổi tụng niệm mọi người trong chùa được gọi tới phòng Lão sư phụ
nghe thuyết giảng. Công án lão sư phụ đã chọn là “Nam Toàn Trảm Miêu”
từ đệ thập tứ tắc trong Vô Môn Quan. “Nam Toàn Chém Mèo” (cũng thấy
xuất hiện trong đệ lục thập tam tắc trong Bích Nham Lục dưới nhan đề
“Nam Toàn Trảm Miêu” và đệ lục thập tứ tắc nhan đề “Triệu Châu Đầu Đái
Thảo Hài”) từ xưa vẫn nổi tiếng là một trong những công án nan giải nhất.
Vào đời nhà Đường có một danh tăng, Phổ Nguyện Thiền Sư, sống trên núi
Nam Toàn Từ Châu, do đó được gọi là Nam Toàn Hòa thượng theo tên quả
núi. Một hôm, sau khi mọi tu sĩ đã ra đồng cắt cỏ, một con mèo nhỏ xuất