Mulbry quay lại. “Có thể mất một lúc… và danh sách có thể khá dài.
Chúng tôi không ngăn họ ở biên giới, đám người Nga ấy, anh hiểu không?
Chiến tranh lạnh đã qua rồi, anh đã nghe thấy điều này chưa?”
Rhyme phải cười phá lên.
“Nào, Lincoln, chừng nào anh còn ở đây, hãy để tôi hỏi một câu nhé.”
Rhyme nhớ lại điều ông ta đã nói lúc nãy.
Chuyện ấy để sau…
“Hửm?”
“Về vụ tôi nói khi nãy ấy. Chúng tôi đã vô hiệu hoá một thiết bị phát
sóng ở vùng ngoại ô Paris. Mọi chuyện đều ổn. Nhưng trong quá trình đó,
đội của tôi lại thu được một luồng tin số, không liên quan nhưng khiến
chúng tôi chú ý. Nó là lưu lượng trao đổi giữa Paris, Trung Mỹ và thành
phố New York. Mối quan hệ tam giác ấy làm rung lên những hồi chuông
cảnh báo về hồ sơ khủng bố.”
Rhyme nói, “Hẳn phải có đến cả triệu email mỗi ngày được trao đổi
qua lại thông qua những tuyến đường này.”
“Anh đoán đúng. Nhưng những cái này rất khác. Chúng được mã hoá
bằng thuật toán thập nhị phân. Gần như không thể bẻ khoá. Điều đó làm
chúng tôi hơi lo lắng.”
Xuất thân từ chuyên ngành khoa học, Rhyme biết hệ đếm số thập nhị
phân, còn gọi là hệ gốc 12 hay một tá. Hệ nhị phân chỉ có hai con số là 0 và
1. Hệ thập phân có mười số: 0 đến 9. Hệ thập nhị phân có mười hai số, từ 0
đến 9 cộng thêm hai kí tự ngoài khác, thường là 2 và E.
Mulbry nói tiếp, “Gói mã hoá ‘đúng đắn’ - từ bọn quái dị hay dùng ấy
- tới mức chúng tôi coi phần mềm ấy như một loại vũ khí. Nó được coi là
đạn dược theo Quy định quốc tế về buôn bán vũ khí của Bộ Ngoại giao. Vì
New York là một trong những điểm xuất phát của các tin nhắn này, tôi tò
mò muốn biết liệu có ai ở NYPD từng gặp phải những email hay tin nhắn
được mã hoá thập nhị phân hay chưa.”