“Không, nhưng tất nhiên là tôi có nghe về ông ta. Tất cả mọi người
liên quan đến giới kim cương theo bất kì cách nào cũng đều biết. Jatin Patel
là một thợ cắt kim cương - anh có biết thuật ngữ này không?”
“Không.”
“Nó chỉ bất kì ai trong những người tham gia vào quá trình sản xuất
hay cắt kim cương. Trong trường hợp của ông ấy nó mang nghĩa là một thợ
cắt kim cương bậc thầy. Ngày nay hầu hết kim cương đều được chế tác tại
Ấn Độ, một phần nhỏ ở Antwerp, phần nữa ở Israel. New York từng là một
trong những trung tâm như vậy. Giờ nó đã thu hẹp lại nhiều nhưng các
nghệ nhân còn lại ở đây vẫn là những người đỉnh của đỉnh. Và Patel nổi
hơn cả.”
Sachs hỏi, “Điều gì làm ông ta giỏi đến thế?”
“Để giải thích tôi phải kể cho cô nghe đôi điều về ngành này.”
“Sao lại không nhỉ?” Sellitto nói.
“Để biên một viên kim cương thô thành sản phẩm hoàn chỉnh, có năm
bước tất cả. Định hình - kiểm tra viên đá thô để tìm ra cách tối đa hoá kích
cỡ, chất lượng và lợi nhuận. Kĩ năng thứ hai là tách - đập viên kim cương
theo thớ của nó bằng một cái búa sắc. Đôi khi các thợ cắt phải nghiên cứu
viên kim cương cả tháng trước khi đập nó. Chỉ một lần sơ sẩy là bạn có thể
mất hàng triệu đô trong một phần mười giây.”
“Nhưng,” Sellitto chen vào, “tôi tưởng kim cương không thể đập vỡ
được.”
Ackroyd lắc đầu. “Thực ra đó là một sự hiểu lầm, Thanh tra ạ. Kim
cương là vật chất cứng nhất trong tự nhiên trên Trái Đất, đúng, nhưng
“cứng” ở đây tức là không thể bị xước thôi. Trên thực tế, chúng cực kì dễ
vỡ. Anh có thể đập vỡ một viên kim cương bằng cây búa dù nó chẳng có tí
tác dụng nào với một mảnh thạch anh cả. Vậy nên, như tôi đang nói: Bước
một, định hình. Bước hai, tách lấy. Bước thứ ba là xẻ - tức dùng dao laze
hoặc dao cắt kim cương để cắt viên đá ngược với thớ của nó thành hình
dạng mong muốn. Bước bốn là bóc - đặt viên đá trên giá và xoay cho nó cọ