"Thái tử điện hạ", giọng gã dần lộ vẻ chua xót, "Thuộc hạ hôm nay cũng
phải chết dưới lưỡi đao của Lưu Triệt, đến an ủi anh linh của người ở trên
trời đây."
Bên trong xe, Lưu Triệt biến sắc mặt. Y lên ngôi đã gần hai mươi năm,
đang độ cường thịnh nên triều thần cũng tương đối do dự đối với hai vị
hoàng tử, chỉ giữ thái độ quan sát cho nên đến bây giờ vẫn còn chưa lập thái
tử. Như vậy thì thái tử theo lời của người áo đen kia nói thì chỉ có thể là vị
thái tử đầu tiên của Hán Cảnh Đế, ca ca của Lưu Triệt, người anh họ của A
Kiều mà suýt nữa nàng đã cưới, thái tử bị lật đổ, Lưu Vinh.
Năm xưa chính là Vương thái hậu và Quán Đào trưởng công chúa Lưu
Phiếu đã bắt tay nhau lật đổ ngôi vị thái tử của Lưu Vinh. Y bị giáng làm
Lâm Giang vương, sau rồi chết ở đất Phiên. Cũng chính vì nguyên nhân đó
mới giao ước cuộc hôn nhân của Lưu Triệt với Trần A Kiều. Lâm Giang
vương Lưu Vinh chết rồi, Cảnh Đế niệm tình phụ tử nên cũng có chút
thương xót, không truy cứu đến gia quyến của y. Theo trí nhớ, Lưu Vinh có
một người con thứ tên là Lưu Đường, sau khi phụ thân chết thì đứa con này
cũng mất tăm tích.
Nếu năm xưa Lưu Đường không được gia nhân dẫn đi trốn thì hai mẹ
con Vương hoàng hậu có bỏ qua cho hắn hay không chứ? A Kiều cũng
không biết, nàng thở dài một hơi, chuyện dây mơ rễ má như vậy thì Lưu
Đường có cố ý báo thù cũng hợp tình hợp lý. Nhớ lại khuôn mặt của người
thanh niên trong Tử Dạ y quán, quả nhiên có rất nhiều nét giống Lưu Vinh.
Lưu Vinh ca ca! Người thiếu niên như đoá hoa hồng giữa buổi chiều
xuân đó cứ phai nhạt dần theo thời gian, biến mất khỏi trí nhớ ký ức của
nàng, nếu không có người thanh niên hôm nay thì chắc là nàng không còn
nhớ nổi.