Lễ pháp của Tây Hán kế thừa những ước định của nhà Chu. Trước đây
Hán Văn đế có viết trong di chiếu: “Đời người có sinh có tử, mai táng long
trọng thì hỏng sự nghiệp, lễ bái nặng nề thì hại đời, trẫm không theo. Lệnh
xuống trong vòng ba ngày cấm mọi người lấy vợ gả con, chơi bời ca hát,
uống rượu ăn thịt. Người trong cung phải cúng tế đủ mười lăm lần mỗi
ngày, đủ mới được nghỉ. Sau đó (khi đã mai táng), mặc trang phục Đại
hồng mười lăm ngày, Tiểu hồng mười bốn ngày, Tiêm bảy ngày mới thôi.”
Đời sau theo lệ nên đại tang Hoàng thái hậu không sai không thiếu một
điểm nào trong những lễ nghi phức tạp đó, đến khi mọi việc xong xuôi,
người trong cung cởi bỏ ba mươi sáu ngày tang phục thì đã là cuối tháng
Sáu.
Nam Cung trưởng công chúa Lưu Đàm sau mấy ngày ngủ mê man cũng
dần bình phục. Niệm tình Nam Cung trưởng công chúa nhiều năm không về
nhà, Lưu Triệt lệnh xuống để nàng tạm thời ở trong cung Trường Nhạc, coi
như làm nguôi đi một chút nỗi nhớ mẫu thân.
Vệ Tử Phu sau khi bận bịu lo xong tang lễ cho Hoàng thái hậu liền tới
cung Trường Nhạc gặp mặt Nam Cung trưởng công chúa. Lưu Đàm nhìn
Vệ Tử Phu với vẻ mặt lạ lẫm xa cách, “Hoàng hậu Đại Hán… không phải là
A Kiều sao?” Nàng vẫn nhớ rằng Lưu Triệt và A Kiều thời niên thiếu có
tình cảm rất sâu đậm, Lưu Triệt từng hứa hẹn nếu lấy A Kiều làm vợ sẽ xây
lầu vàng cho A Kiều.
Vệ Tử Phu lúng túng, nội thị đứng bên bước lên nhẹ giọng bẩm báo,
“Trưởng công chúa ở đại mạc xa xôi nhiều năm nên mới không biết chuyện
Trần hoàng hậu đã bị phế truất từ hồi năm Nguyên Quang thứ năm và bãi
lui về cung Trường Môn rồi.”
Lưu Đàm khẽ ồ lên một tiếng, “Thế nhưng hôm trước ở bên giường mẫu
hậu, ta còn tận mắt nhìn thấy A Kiều cơ mà.”