Nàng cũng không biết sau khi trở về người kia sẽ thế nào nên mới bố trí
một cái bẫy hết sức tinh vi, kết cục mới biết chính bản thân mình lại là
người sập bẫy. Người kia thì sao? Sau khi thắng rồi cũng không thèm đếm
xỉa gì tới nàng mà lại xin bệ hạ một đạo ý chỉ để về phủ Đường Ấp hầu ở
tạm. Lần ở tạm này dài tới một năm.
Trong một năm đó, nàng bị giam lỏng ở điện Tiêu Phòng, đối diện với
cung điện hoa lệ nhưng trống rỗng, bơ vơ không biết bấu víu vào đâu. Mọi
người nói rằng bệ hạ thường tới phủ Đường Ấp hầu thăm người kia, giảm
bớt số lần lưu lại cung Vị Ương.
Nàng chỉ cười dịu dàng, lặng lẽ nghe bọn họ bàn tán, ra vẻ cảm thông lẫn
bất bình thay cho mình, lòng cứ thế nhạt dần, Nàng đã yêu phải một người
chưa bao giờ yêu nàng, vậy thì tình yêu của nàng cứ thế, cứ thế tan biến.
Nếu tình yêu đó chỉ có thể làm cho nàng khổ, làm cho nàng đau thì nàng
cũng không cần nhưng e rằng, nếu vứt bỏ nó thì nàng sẽ đau đớn không
chịu nổi, đau đớn muốn chết đi. Nàng còn có người nhà phải bảo vệ, Cứ
Nhi phải che chở, cho nên nàng không có thời gian để mềm yếu, không có
thời gian để héo sầu xuân thu, không có thời gian để mà khóc cho mối tình
đang tàn tạ.
Năm Nguyên Thú thứ hai, trưởng nữ Vệ Trường xuất giá. Đến con gái
cũng đã đến tuổi gả chồng thì nàng coi như đã già rồi. Vệ Trường thật sự rất
giống nàng, giấu kín những bi thương ở trong lòng. Nàng thật sự mến một
thiếu niên, nhưng người thiếu niên đó lại ngại là biểu ca của nó. Cảm mến
thì làm sao? Với tình cảnh của Vệ gia ngày đó thì chuyện hôn nhân của Vệ
Trường là cực kỳ quan trọng với nàng. Nàng không thể để cho tình cảm
riêng tư của con gái gây ảnh hưởng đến mưu đồ toàn cục. Nhưng nàng làm
con gái bi thương thì lòng nàng còn bi thương hơn. Bi thương vì nàng biết
rõ Vệ Trường không tình nguyện nhưng vẫn lựa chọn gả vào Lý gia. Dường
như những gì trong đời nàng lại một lần nữa tái diễn, những gì làm ra hoàn
toàn khác với suy nghĩ trong lòng.