Song, bà lại là mẫu thân của Lưu lang. Vào thời khắc đó, Lưu lang thật
sự bi thương. Dù Lưu lang có tàn nhẫn đến đâu nhưng trong lúc mẫu thân
qua đời thì trái tim y vẫn thoáng có chút mềm yếu. Nàng đi theo y tới ngoài
điện Linh Tâm. Mọi người nói rằng Lưu lang ở tại tòa cung điện này từ nhỏ
đến lớn. Lưu lang của nàng ngồi trong điện Linh Tâm thương tiếc mẫu thân,
còn nàng đứng ở ngoài, chần chừ không dám vào. Thời gian đã mài mòn
dũng khí của nàng. Nàng không còn được như hồi còn trẻ, không hề sợ hãi
về tiền đồ phía trước.
Người đời nói rằng, hiểu rõ tâm Hoàng đế nhất trên đời này chính là Ngự
tiền tổng quản Dương Đắc Ý hầu hạ bên cạnh y nhiều năm. Ngày hôm đó,
Dương Đắc Ý đã đi khắp cung điện tìm Trần A Kiều. Nàng đứng tại đình
Viễn Sơn ở rất xa, nhìn Doãn Giai La tiến vào rồi bị bệ hạ nổi trận lôi đình
truyền giải tới Dịch đình. Cuối cùng là Trần A Kiều bước vào.
Nàng cứ đứng chờ mãi ở trong đình, đợi đến khi sắc trời sẩm tối, đợi đến
khi những cơn gió Nam tháng Năm thổi tới, tâm hồn lạnh giá vẫn chưa thấy
người kia đi ra ngoài. “Hoàng hậu nương nương”, Thải Thanh khẽ nhắc,
“Chúng ta trở về thôi.” Nàng quay đầu lại, tựa hồ nghe ra vẻ bất nhẫn trong
lời của Thải Thanh, cười không thành tiếng.
Nam Cung trưởng công chúa Lưu Đàm từ nhỏ đã có tình cảm rất tốt với
Trần A Kiều, trước mặt mọi người gây khó xử cho nàng, đối đãi lạnh nhạt.
Sau khi Thái hậu qua đời, nàng chính là người phụ nữ tôn quý nhất Đại Hán
nhưng sao lại phải cẩn trọng hơn so với trước kia? Bệ hạ dẫn Nam Cung
trưởng công chúa và Trần A Kiều tới cung Cam Tuyền nghỉ hè. Sau khi trở
về, ân ái càng thêm nồng thắm. Còn nàng thì trông coi ngôi vị hoàng hậu
lạnh lẽo mà dần trở nên mòn mỏi, gầy yếu đến nỗi chỉ cần một cơn gió nhẹ
thổi qua cũng ngã.
“Mẫu hậu”, các con gái gọi nàng vẻ lo lắng.