A Kiều không rõ Liễu Duệ đã làm như thế nào để Lưu Đàm hồi tâm
chuyển ý. Khi Lưu Triệt tuyên chỉ ban hôn thì đã là cuối năm Nguyên Thú
thứ hai. Lần này không thể so với lần Hoàng đế gả con gái hồi đầu năm vì
Công chúa trưởng Nam Cung là công chúa ngày xưa cống Hung Nô để cầu
hòa, Lưu Đàm lại kiên quyết nên không tổ chức hôn lễ phô trương, cũng
không nhiều người tham dự nhưng dĩ nhiên Lưu Triệt dẫn A Kiều cùng đến.
A Kiều ngồi bên cạnh Lưu Triệt, thấy tân nương đẹp rực rỡ trong bộ lễ
phục, trong lòng chẳng biết tại sao nhói lên cảm giác thương cảm nhưng
vẫn thật lòng chúc phúc cho họ. Chúc phúc cho đôi tan lang tân nương trăm
năm hòa hợp, chúc phúc cho Công chúa trưởng đã chịu nhiều đau khổ kia
có thể có được một nửa đời sau hạnh phúc.
Khi đôi tân lang và tân nương giao bái, A Kiều để ý quan sát Công chúa
trưởng Bình Dương, thấy rõ vẻ mặt âm trầm của Lưu Tịnh. Liễu Duệ mà
nàng ta để ý đã thành thân với người khác, vậy thì nàng ta sẽ như thế nào?
Khi Công chúa trưởng Nam Cung được gả vào phủ Trường Tín hầu thì mọi
chuyện đã được quyết định, cung Trường Môn lại có thêm một lá bài quan
trọng và vững chắc, thậm chí còn hơn cả chính bản thân Công chúa trưởng
Bình Dương. Dưới tình huống như thế thì dường như Lưu Tịnh càng không
thể gia nhập trở lại vào phe Vệ gia, nhưng làm sao một Công chúa trưởng
Bình Dương tính khí cao ngạo lại chịu được mối nhục nhã này?
“Nhìn bọn họ mà đệ cũng muốn được thành thân quá”, Tang Hoằng
Dương uống cạn chén rượu, mỉm cười nói đùa.
“Vậy thì đệ hãy mau rước Di Khương về nhà đi. Nàng ấy chờ đệ cũng
lâu rồi.” A Kiều mỉm cười, ngồi trên lan can của dãy hành lang dài ngẩng
đầu nhìn lên những ngôi sao trên cao. Chúng lấp lánh như vậy, đẹp đẽ như
vậy, dường như chỉ cần đưa tay ra là có thể hái được nhưng nếu thật sự đưa
tay ra lại xa xôi tận phía chân trời.