những khách hàng trung thành cao độ với nhãn hiệu như vậy mà công việc
kinh doanh của Tống vẫn còn khá tốt.
Nhưng Tống phát hiện ra một vấn đề, đó là hiện nay, số lượng phụ tùng
chính hãng anh tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 20% thị phần. Vì phần lớn những
khách hàng yêu cầu thay phụ tùng chính hãng đều sở hữu xe riêng và
thường xuyên bảo dưỡng xe. Vì tần suất sử dụng không quá nhiều, lại
thường xuyên bảo dưỡng đầy đủ nên những chiếc xe như vậy rất ít khi bị
hỏng. Những chiếc xe cần bảo dưỡng nhiều là xe vận tải. Những chiếc xe
này được dùng với mục đích chuyên chở người và hàng hóa liên tục, lộ
trình dài và thường xuyên vượt quá tải trọng, việc bảo dưỡng cũng
không đến nơi đến chốn nên bị hao mòn nhiều và tất nhiên cũng phải tu sửa
nhiều hơn. Để giảm bớt chi phí, các chủ xe thường không chọn phụ tùng
chính hãng vì giá thành thường đắt hơn phụ tùng không chính hãng khoảng
2 - 3 lần. Những chủ xe này dựa vào xe để kiếm sống nên hiểu biết nhiều
hơn về xe cộ và linh kiện, ví dụ như những linh kiện cần phải đồng bộ
chính hãng, linh kiện nào có thể không cần chính hãng, chính vì thế họ
cũng hay bắt bẻ hơn.
Hiện nay, trên thị trường, mặt hàng bán chạy nhất là phụ tùng do xưởng sản
xuất thiết bị gốc đưa ra, chất lượng sản phẩm không thua kém hàng chính
hãng nhưng không dán nhãn hiệu của hãng lắp ráp ô tô mà dán một nhãn
hiệu khác. Điều này cũng không thể ngăn cấm được vì khi nhà sản xuất phụ
tùng kí hợp đồng với hãng sản xuất và lắp ráp ô tô, hai bên đã giao ước với
nhau: giá của phụ tùng xe hơi không được phép rẻ hơn giá cung cấp cho
nhà sản xuất và lắp ráp xe. Giao ước này đảm bảo cho các cửa hàng 4S
(cửa hàng ô tô 4S: cửa hàng bao gồm các hoạt động bán hàng - sale; phụ
tùng - sparepart; dịch vụ - service; tiếp thu phản hồi của khách hàng -
survey) của các hãng sản xuất ô tô có thể bán phụ tùng với giá cao cho các
chủ xe mang xe đi bảo dưỡng, sửa chữa.