Vợ Kha mỉm cười, nói: “Chuyện này em đã nghĩ rất lâu rồi, đồng phục là
một lĩnh vực rất rộng lớn, yêu cầu phải có cúc áo chất lượng cao, chắc chắn
nhà cung cấp đồng phục sẽ không dùng hàng chất lượng kém chỉ để tiết
kiệm mấy đồng bạc đâu. Chỉ cần chúng ta nâng cấp thiết bị và cơ chế quản
lí thì có thể đạt yêu cầu về kĩ thuật mà họ đặt ra. Có thể hướng vào đồng
phục ngành đường sắt, công an, quân đội trước. Đợi đến lúc giành được vị
trí nhà cung cấp chính thì các thương hiệu thời trang khác sẽ nhận thấy chất
lượng và thực lực của chúng ta, đến lúc đó chẳng phải là tiền vào như nước
rồi hay sao?”
Sau mấy năm cố gắng khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, bây giờ,
Kha gần như đã nắm trong tay quyền phân phối cúc áo cho đồng phục các
ngành đường sắt, công an và quân đội. Nhờ vào danh tiếng đó, Kha đã mở
rộng thị trường sang cả Nhật Bản và châu Âu, chiếc cúc áo nhỏ bé của anh
giờ đã là một thương hiệu lớn đạt được nhiều thành tựu trong và ngoài
nước. Còn những cơ sở sản xuất khác không biết cách khẳng định vị trí của
mình trên thị trường thì vẫn theo con đường làm hàng giả như trước để
kiếm chút lợi nhuận ít ỏi, có những cơ sở đã bị đóng cửa từ lâu.
Bài học tâm đắc
Những cơ sở sản xuất nhỏ điển hình có thể kể đến là những xưởng gia công
khóa kéo hay bật lưa... Khi số lượng sản phẩm đã vượt mức nhu cầu của thị
trường thì bắt đầu có sự cạnh tranh, các xưởng sản xuất thường bị cuốn vào
vòng tuần hoàn cũ mòn là làm hàng giả, giảm chi phí sản xuất. Cảnh “nồi
da xáo thịt” này chỉ khiến cho thị trường ngày càng đi xuống và sự cạnh
tranh ngày càng khốc liệt trong khi lợi nhuận thì ngày càng giảm sút. Trong
lúc đó, chỉ có dũng cảm tìm cách thoát ra khỏi vòng tuần hoàn ác tính đó,
thay đổi cách nhìn thì mới có thể tìm lại chỗ đứng cho doanh nghiệp.